Hàng hóa tập kết về các chợ đầu mối tăng mạnh

Tối ngày 30/1 và rạng sáng ngày 31/1, đoàn kiểm tra liên ngành TP Hồ Chí Minh đã làm việc và khảo sát hoạt động kinh doanh của các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đánh giá tình hình cung ứng hàng hóa nông sản thiết yếu và các mặt hàng hoa tươi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, các thương nhân kinh doanh tại chợ đã hợp đồng với các hộ sản xuất dự trữ hàng hoá phục vụ Tết. Hầu hết người kinh doanh chờ dịp Tết mới tăng mạnh về số lượng hàng hóa, nhất là cao điểm trong các ngày cuối (từ nay đến 28 tháng Chạp). Dự kiến ngày 27 và 28 tháng Chạp lượng hàng về chợ đạt khoảng khoảng 6.700 - 7.000 tấn/ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát hoạt động kinh doanh của thương nhân tại chợ đầu mối.

Một số loại trái cây chủ lực phục vụ Tết Nguyên đán như xoài, mãng cầu, quýt, bưởi, thanh long..., năm nay, dự kiến sản lượng giảm do thời tiết thất thường ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái. Đồng thời, làm tăng chi phí sản xuất do sâu bệnh gia tăng. Trong các ngày cao điểm Tết, mặt hàng bưởi có thể đạt 300 tấn/ngày; xoài 350 - 400 tấn/ngày; quýt 500 - 600 tấn/ngày; mãng cầu 500 - 550 tấn/ngày; thanh long 280 - 300 tấn/ngày…

Tương tự, dự kiến lượng hoa tươi nhập chợ năm nay sẽ đạt khoảng 290 tấn/ngày, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn các mặt hàng rau củ, quả chủ lực phục vụ Tết nguyên đán sẽ sản lượng nhập chợ tăng vào thời gian cao điểm.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, đại diện Ban quản lý các chợ đầu mối cho biết, thương nhận tại chợ đã ký cam kết không sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm. Bên cạnh đó, hàng hóa vào chợ đến đăng ký lượng hàng, nguồn gốc hàng hóa và được vận chuyển vào điểm kinh doanh cụ thể. Đơn cử, hàng ngoại nhập chợ phải xuất trình chứng từ vận chuyển, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận Kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa.

Thống kê cho thấy, lượng hàng nhập về 3 chợ đầu mối bình quân trên 9.000 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản; chiếm khoảng 60 - 70% thị trường. Dự kiến, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày trong các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp. Tính đến thời điểm hiện nay, thị trường tương đối ổn định, sức mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa, sản phẩm phục vụ Tết bắt đầu tăng lên từ sau ngày 23 tháng Chạp.

Bên cạnh đánh giá cao hoạt động kinh doanh cũng như chuẩn bị nguồn hàng hóa tại các chợ đầu mối trên địa bàn, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Minh cho rằng, Ban quản lý các chợ và đơn vị buôn bán cần giữ giá cả hàng hóa ổn định, tránh tình trạng tăng giá cao trong những ngày giáp Tết, nhưng đến cận Tết thì giảm giá thấp, tạo tâm lý người dân chờ giảm giá mới mua, dẫn đến ùn ứ hàng hoá và dội chợ.

Đặc biệt, trước đó các sở, ngành đã khảo sát và dự báo nhu cầu cung – cầu hàng hóa trên địa bàn, nên dựa trên cơ sở này các đơn vị chủ động cân đối nguồn cung hàng hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, định hướng và phát triển sản phẩm theo thị hiếu tiêu dùng.

Theo ông Phạm Thành Kiên, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai từ khá sớm và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan, cũng như liên kết với nhiều tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, Ban quản lý các chợ cần chú trọng việc theo dõi diễn biến thị trường không chủ quan, kịp thời dự báo và thông tin cập nhật giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu thường có sức mua cao trong dịp Tết. Đặc biệt, không để diễn ra tình trạng nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt hay khan hiếm, kể cả khan hiếm hàng hóa cục bộ. Đồng thời, cũng không để tình trạng dư thừa hàng hóa, cụ thể là việc đổ bỏ hoa Tết trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Tin, ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)
Hơn 13.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp Tết
Hơn 13.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa thiết yếu dịp Tết

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Đây cũng là thời điểm người dân đi mua sắm hàng hóa để chuẩn bị đón Tết. Lượng hàng hóa luân chuyển lớn cũng là nguy cơ gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trà trộn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN