Để cân đối cung cầu và đảm bảo nguồn hàng hóa đạt chuẩn, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đồng loạt vào cuộc, tăng cường kiểm soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa để kiềm chế bất ổn thị trường dịp cao điểm.
Theo dự báo của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, nhu cầu mua sắm hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sẽ tăng khoảng 15%. Riêng tháng cận Tết sẽ tăng cao khoảng 30%. Để bình ổn thị trường, tránh tình trạng đầu cơ thu lợi bất chính, Sở Công Thương đã vận động, đôn đốc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đảm bảo dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu trị giá hơn 13.000 tỷ đồng. Tháng cận Tết, ưu tiên dự trữ hàng hóa gần 7.500 tỷ đồng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân với phương châm “không để thiếu hàng, sốt giá”.
Thực hiện chủ trương này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã có kế hoạch tập kết hàng hóa về kho dự trữ ngay từ đầu tháng 1/2019 gắn với chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Các đơn vị chủ lực có lượng hàng hóa dồi dào như: Co.op Mart Pleiku, VinMart, siêu thị Bảo Thuận, siêu thị Daly Mart-Đức Cơ, Công ty Cổ phần thương mại Gia Lai, Công ty Cổ phần Gia Sabeco Tây Nguyên, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên…
Bà Châu Hoàng Thi, Phó Giám đốc Co.op Mark Pleiku tỉnh Gia Lai cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng phong phú, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho Tết Kỷ Hợi 2019, Co.op Mark Pleiku đã lên kế hoạch từ nửa năm trước. Các nhóm hàng hóa Co.op Mark Pleiku ưu tiên dự trữ như: bánh, mứt, hạt đậu sấy khô, bia, nước ngọt và một số dòng sản phẩm truyền thống như lạp xưởng, nem, chả,… với số lượng hơn 100 tỷ đồng.
Để đảm bảo nguồn hàng hóa có chất lượng phục vụ người tiêu dùng, hệ thống Sài Gòn Co.op Mark cũng như Co.op Mark Pleiku đều lựa chọn các nhà sản xuất có uy tín, hàng Việt Nam chất lượng cao được Nhà nước công nhận. Những mặt hàng rau, củ, quả, nhà cung cấp phải đạt chất lượng VietGap, có thông tin, nhãn mác cụ thể và được nhân viên kiểm soát chặt chẽ.
Càng giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng cao. Do đó, nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng nhập khẩu trái phép diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng gần 1 tháng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử phạt 27 vụ vi phạm với số tiền gần 360 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu tập trung vào hành vi buôn bán các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu (quần áo), hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm).
Ông Lê Hồng Hà, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao chính là điều kiện thuận lợi để các loại hàng giả, hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường trục lợi bất hợp pháp. Để đối phó với vấn đề này, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp; trong đó, có việc xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhái.
Cục xác định các địa bàn trọng điểm gồm: cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê…với một số mặt hàng thiết yếu về lương thực, thực phẩm, quần áo may sẵn, rượu bia, nước giải khát, động vật rừng, thịt các loại,… Kết quả bước đầu thu được rất khả quan, nhiều hàng hóa trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, dược phẩm đã được kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời.
Ngành chức năng sẽ tăng cường lực lượng ở mức cao nhất và phối hợp từng khu vực với nhau để kịp thời ngăn chặn các cơ sở kinh doanh ngay từ khâu lưu thông; tập trung kiểm tra các kho, bãi chứa hạn chế thấm nhất lượng hàng hóa kém chất lượng tung ra thị trường, đảm bảo cho việc kiểm tra, kiểm soát ở khu vực buôn bán được thuận lợi hơn, ông Hà khẳng định.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng dịp Tết Kỷ Hợi, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai tập trung kiểm tra có trọng điểm các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp này như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…Cao điểm từ trung tuần tháng 1 đến nay, qua kiểm tra 385 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đoàn phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 73 cơ sở; tịch thu và tiêu hủy 5 loại (số lượng 19 chai) phụ gia thực phẩm quá thời hạn sử dụng, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm có thời hạn và thực hiện lấy 138 mẫu kiểm tra nhanh về phẩm màu, nitrat, nitrit, hàn the, foocmon…tại các cơ sở.
Theo ông Nguyễn Văn Đang - Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, công tác thanh, kiểm tra trước Tết Nguyên đán đã đem lại kết quả rất tốt. Từ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến các vùng có lượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhiều đều được kiểm soát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đảm bảo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương.
Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phân công lịch trực cụ thể để kiểm soát ngộ độc theo đúng chỉ đạo của Sở Y tế. Trong suốt thời gian Tết Nguyên đán, Chi cục đã chuẩn bị tất cả các trang thiết bị, dụng cụ và đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan để khi có vụ việc xảy ra sẽ kịp thời xử lý không để tình trạng ngộ độc thực phẩm lan rộng trên quy mô lớn dẫn đến tử vong không đáng có.
Lựa chọn thực phẩm an toàn để sử dụng trong dịp Tết để phòng tránh ngộ độc, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình. Do đó, người tiêu dùng cần tìm đến các cơ sở kinh doanh thực phẩm có thương hiệu, uy tín để chọn cho mình các mặt hàng chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, hướng đến một mùa Xuân mới an toàn và vui vẻ.