Giao thông vận tải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp hạng 3, sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32) chỉ số đánh giá về Logistics, nhất là năng lực chất lượng dịch vụ tăng mạnh nhất (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc)... các chỉ số này đều nhờ hạ tầng giao thông phát triển".

Đưa vào khai thác cả nghìn km cao tốc

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, công tác đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.

Hết năm 2020, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Chú thích ảnh
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành trong năm 2021 sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải khu vực phía Nam.

Cụ thể, khu vực phía Bắc đã hoàn thành đầu tư các tuyến đường cao tốc hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Hiện nay, hai tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận đang được triển khai. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Liên Khương - Đà Lạt.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không cũng được chú trọng đầu tư đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Điển hình, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các sân bay được xây dựng mới gồm: Phú Quốc, Vân Đồn… nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm; hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000tấn (DWT) đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu…

Riêng trong năm 2020, Bộ GTVT đã kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục và triển khai khởi công 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đồng thời, đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP do không lựa chọn được nhà đầu tư (QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu)... và sẽ sớm khởi công một số hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Vận tải tăng trưởng mạnh, tai nạn giảm sâu

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê, tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, số vụ giảm 42,7%, số người chết giảm 19% và số người bị thương giảm 53,91% so với giai đoạn 2011 - 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Đối với lĩnh vực vận tải, thống kê của Bộ GTVT cho thấy, giai đoạn từ 2016 - 2019, sản lượng vận tải luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; vận tải hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,87%/năm về khối lượng vận chuyển và 7,1%/năm về khối lượng luân chuyển.

Vận tải hành khách có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,75%/năm về khối lượng vận chuyển và 10,4%/năm về khối lượng luân chuyển. Chất lượng dịch vụ vận tải có sự cải thiện vượt bậc, xuất hiện nhiều phương tiện hiện đại, chất lượng cao, nhất là vận tải hàng không, tăng gấp 5 lần năm 2011, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Năm 2021, Bộ GTVT đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì hoạt động vận tải ổn định, dần phục hồi trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, vận chuyển hành khách tăng từ 5 - 6%, vận tải hàng hóa tăng đến 10%, hàng thông qua cảng biển tăng 7 - 8% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở hàng quá tải trọng, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ, sử dụng các chất kích thích trong điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa...

Riêng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông, Bộ GTVT đặt mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2020; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, trong kỳ đánh giá 2017 - 2018, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc, từ 95/144 (năm 2011) lên 79/137 (năm 2016), trong đó, chỉ số về chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ đứng thứ 92 (tăng 28 bậc), cảng biển đứng thứ 82 (tăng 31 bậc). Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với 2016 (năm 2011, Việt Nam xếp hạng 53/155 nước).
Vân Sơn/Báo Tin tức
Đến 2030 có thể không còn sử dụng tiền mặt trong giao thông vận tải
Đến 2030 có thể không còn sử dụng tiền mặt trong giao thông vận tải

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình được triển khai trong 2 giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN