Đến 2030 có thể không còn sử dụng tiền mặt trong giao thông vận tải

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình được triển khai trong 2 giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Tại trạm thu phí của BOT Hà Nội - Bắc Giang, 2 làn thu phí ETC hiện đã lắp đặt, vận hành chạy thử từ tháng 11/2017. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo đó, đến năm 2025, với mục tiêu phát triển Chính phủ số, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải; trong đó, có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác. Đồng thời, cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành giao thông vận tải đối với các số liệu thống kê hàng năm và các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật;

Đặc biệt, tất cả hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.

Tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan tới nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông Vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.

Tự động hóa được các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin…; hoàn chỉnh được quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo, sát hạch và cấp phép cho người điều khiển phương tiện; tránh được các tệ nạn tham nhũng gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông…

Với mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.

Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt; tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp của Việt Nam…

Giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu phát triển chính phủ số, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác; tạo lập được cơ sở dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông có đủ tính pháp lý để khai thác sử dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành và phát triển của ngành. Người dân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm và khai thác sử dụng hầu hết các loại dữ liệu không phải là mật của ngành giao thông vận tải trên cổng cung cấp dữ liệu mở…

Với mục tiêu phát triển kinh tế số, hệ thống giao thông thông minh được triển khai rộng khắp trên mạng lưới giao thông toàn quốc; có sự kết nối đồng bộ, liên thông kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không; xóa bỏ hoàn toàn các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ…

Quang Toàn (TTXVN)
Bắt đầu thu phí không dừng trên tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn
Bắt đầu thu phí không dừng trên tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn

Ngày 14/12, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Phát (Chủ đầu tư tuyến cao tốc sân bay Liên Khương – Prenn, thành phố Đà Lạt) đã vận hành 4 làn thu phí tự động không dừng tại Trạm thu phí Định An (xã Định An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) thuộc tuyến cao tốc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN