Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho biết, chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 và dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tiếp tục xác định rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có khả năng tái tạo, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước. Do đó, cần duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025 và duy trì ổn định đến năm 2030; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ: đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025; đạt 23-25 tỷ USD vào năm 2030. Đến 2025 có 50% và đến 2030 có 80% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất kinh doanh lâm nghiệp hàng hóa hoặc các dịch vụ.
Để đạt được kết quả trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp hoàn thiện các chính sách thể chế về lâm nghiệp. Trong đó, cần nhất quán, kiên quyết thực hiện nghiêm chủ trương đóng của rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị, các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ngành lâm nghiệp phải chủ động tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động; phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương để thực hiện thành công nhiệm vụ ‘trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.
Giai đoạn từ năm 1990 - 2020, tỷ lệ che phủ rừng tăng thêm 14,7% (tăng hơn 1,5 lần), tương đương 5,6 triệu ha rừng. Chất lượng rừng trồng từng bước được cải thiện. Đến nay, cả nước đã có hơn 600 nghìn ha rừng gỗ lớn, trên 200 nghìn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc dần khôi phục, phát triển rừng đã góp phần hạn chế xói mòn, lũ lụt vùng hạ lưu, sạt lở bờ biển, đê kè ven sông; hạn chế thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai.
Cùng với đó, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước. Những năm qua, giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp luôn giữ đà tăng trưởng cao và ổn định. Giai đoạn 1999 - 2009 tăng trưởng 2,85%/năm; giai đoạn 2010 - 2020 đạt 5,86%/năm (gấp 5,6 lần so với giai đoạn 1990 - 2000 và hơn 2 lần so với giai đoạn 2000 - 2010).
Qua 75 năm hình thành và phát triển, ngành lâm nghiệp đã vận hành theo cơ chế thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng, với mục tiêu phát triển cả kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển có hiệu quả hơn quan điểm xã hội hóa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước.
Năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỷ USD, dự kiến năm 2020 đạt 13 tỷ USD, chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và trên 26% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện, cả nước có trên 5.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản thu hút hàng triệu lao động. Giai đoạn 2011-2019 đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân gần 2.000 tỷ đồng/năm cho các chủ rừng và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng. Diện tích rừng cả nước cơ bản tăng đều qua các năm và đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 42% vào năm 2020. Việt Nam là một trong số rất ít nước có tốc độ tăng diện tích rừng ổn định và nhanh trên thế giới; đóng cửa khai thác gỗ toàn bộ 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 4,6 triệu ha.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt về xã hội hóa nghề rừng và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo; thu hút khoảng 20 triệu lao động vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp để tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, phát triển sinh kế từ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hàng triệu hộ gia đình, cộng đồng dân cư được giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị, ngành lâm nghiệp phải tập trung rà soát quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia, chiến lược phát triển ngành cùng với tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ bản để duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%. Ngành lâm nghiệp, tập trung triển khai nuôi dưỡng, phục hồi, làm giàu rừng tự nhiên, nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng tăng 20% vào năm 2025, 40% vào năm 2030 so với hiện nay; đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ lâm sản khoảng 40 triệu m3 năm 2025, 50 triệu m3 năm 2030 chủ động cho công nghiệp chế biến gỗ lâm sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Song song đó, ngành thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất 3 loại rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu từ dịch vụ môi trường và lâm sản dược liệu dưới tán rừng tăng gấp 2 lần vào năm năm 2025, tăng gấp 3 lần vào năm 2030 so với năm 2020. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%/năm ổn định đến năm 2030; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Từ đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, cũng như xóa đói giảm nghèo.