Tuy nhiên, các trung tâm, doanh nghiệp thuộc trường, viện chưa phát huy được vai trò hỗ trợ, kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn sản xuất nên thị trường còn nhiều dư địa phát triển. Do đó, các chuyên gia cho rằng, muốn thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh thì cần tháo gỡ những rào cản trong khai thác sở hữu trí tuệ, khơi thông thị trường và kết nối quốc tế.
Khai thác tài sản trí tuệ
Với môi trường kinh doanh hiện nay, khái niệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm vẫn thường được nhắc đến khá thường xuyên. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu thường gắn liền với các giai đoạn nghiên cứu và triển khai, hoạt động phổ biến hay lan truyền và chuyển giao công nghệ trong nền kinh tế thị trường.
Trong khi đó, thương mại hóa sản phẩm lại gắn liền với việc phân công lao động, sản xuất và trao đổi hàng hóa theo cơ chế thị trường. Mặc dù vậy, có một số quan điểm cho rằng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là quá trình chuyển hóa các kết quả nghiên cứu khoa học thành quy trình công nghệ và sản phẩm đó được bán trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hiệu quả hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học Việt Nam chưa cao có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn thuộc về các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Về phía các doanh nghiệp, do thiếu thông tin về khả năng chế tạo của các nhà khoa học trong nước, thiếu sự tin cậy đối với sản phẩm còn mang tính "nghiên cứu", chưa được thử nghiệm nên chưa mạnh dạn tìm mua những thiết bị, công nghệ được sản xuất trong nước, mà thường chọn phương án nhập khẩu thiết bị, công nghệ nước ngoài, tuy giá cao nhưng có vẻ bảo đảm, ít mạo hiểm và rủi ro hơn.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hải Ninh, Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, khoa học và công nghệ hiện nay được xem là công cụ tối ưu để gia tăng sức cạnh tranh và chất lượng của mọi loại sản phẩm và dịch vụ. Hoạt động chuyển giao tri thức về thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ là một trong những tiền đề nhằm thúc đẩy nền kinh tế tri thức và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy vậy, tình hình thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ từ đơn vị nghiên cứu còn thiếu hiệu quả, bên cạnh những vấn đề về nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa có tiềm năng thương mại hóa, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp còn thấp. Cùng với đó, cần xét đến những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, quy định phân chia lợi nhuận trong hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ... cũng được đánh giá là rào cản trong thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường.
Hơn thế nữa, vấn đề lớn nhất vẫn là thiếu hoạt động đào tạo nhằm trợ giúp và thúc đẩy hoạt động thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ. Vấn đề này đã từng được xác định như một trong ba lỗ hổng lớn của hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học là phát triển công nghệ mới, đào tạo kỹ năng thương mại hoá và cơ chế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, quá trình R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ). Sản phẩm của mỗi công đoạn đều được gọi là kết quả nghiên cứu và một sản phẩm tiêu dùng hoàn thiện ngày nay có thể là sự tích hợp của nhiều kết quả nghiên cứu.
Theo đó, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp, với mục đích làm đầu mối về chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp đã xây dựng được danh mục hơn 40 sản phẩm khoa học công nghệ tiềm năng; chính thức ký 15 hợp đồng hoàn thiện và phát triển thương mại sản phẩm khoa học công nghệ, đăng ký bảo hộ và các tiêu chuẩn tương đương; xây dựng, hợp tác xây dựng gọi vốn đầu tư hơn 10 dự án ươm tạo công nghệ và các dự án khác trong lĩnh vực nông nghiệp...
Xúc tiến khơi thông thị trường
Trước yêu cầu khơi thông thị trường, Chương trình 2075 (Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020) được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 là dấu mốc quan trọng giúp cho thị trường khoa học và công nghệ đã khẳng định từng bước hoàn thiện theo đúng xu hướng hội nhập quốc tế và có những tác động ban đầu quan trọng. Cụ thể, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình 2075 đã phê duyệt được 63 nhiệm vụ trên tổng số hơn 500 đề xuất đăng ký, tương đương trung bình mỗi năm có khoảng trên 100 đề xuất đăng ký tham gia chương trình 2075. Tổng kinh phí thực hiện của 63 nhiệm vụ phê duyệt trong 5 năm qua là 340 tỷ đồng.
Thông qua chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào việc triển khai các dự án tiếp thu làm chủ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ bằng việc đối ứng nguồn vốn, nhân lực và các trang thiết bị cần thiết. Tổng kinh phí được huy động từ doanh nghiệp để triển khai nhiệm vụ thương mại hóa đạt 111,3 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp tham gia triển khai nhiệm vụ của chương trình 2075 đã có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận, tiếp thu và làm chủ công nghệ mới góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường; trong đó, có thể kể đến công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhựa gỗ châu Âu đã tham gia thực hiện dự án thương mại hóa công nghệ sản xuất vật liệu gỗ nhựa thân thiện với môi trường với tổng kinh phí 10,9 tỷ đồng, trong đó đối ứng từ phía công ty là 7,63 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 70%).
Kết quả thực hiện chương trình 2075 cho thấy, tốc độ tăng giá trị giao dịch các hàng hoá khoa học và công nghệ trên thị trường bình quân hàng năm đạt 22%, vượt 7% so với mục tiêu đề ra là 15%. Đối với một số lĩnh vưc công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch công nghệ trung bình là 40%, vượt 20% so với mục tiêu đề ra là 20%.
Những hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ cũng được nhiều Bộ, ngành chung tây đẩy mạnh theo hướng liên thông với hoạt động xúc tiến thị trường hàng hóa, lao động, đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay đã hình thành và phát triển một số mô hình tổ chức trung gian tiêu biểu tại trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh… theo hướng đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm kho học và công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Trong thời gian qua, chương trình xúc tiến thương mại của ngành công thương luôn đồng hành cùng hoạt động xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Qua đó, góp phần từng bước tạo ra sự liên kết giữa thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng cho hay, ngành công thương không ngừng nỗ lực kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học và công nghệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học và công nghệ với doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Song song đó, ngành công thương xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Cụ thể, ngành công thương đã tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước về thiết bị, công nghệ, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước đa dạng các lĩnh vực về nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, thông tin truyền thông, công nghiệp hỗ trợ… Qua những hoạt động xúc tiến thương mại này đã hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bài 3: Chuyển giao công nghệ