Trước bối cảnh đó, việc phát triển các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, nhất là các công nghệ được phát triển từ trong nước do chính người Việt sáng chế được Nhà nước quan tâm và khuyến khích. Mặc dù vậy, các nhà sáng chế vẫn đang gặp nhiều khó khăn và các mô hình xử lý rác thải vẫn khó có thể nhân rộng.
Lò đốt xử lý rác sinh hoạt LOSIHO của Công ty TNHH Tân Thiên Phú. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Ông Nguyễn Hữu Xuyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và kỹ sư Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lực – Máy có một số ý kiến về vấn đề này:
Ông Nguyễn Hữu Xuyên: Tiềm năng thương mại hóa công nghệ xử lý rác công nghệ ViệtHiện Việt Nam có nhiều công nghệ xử lý rác thải công nghệ cao với những phát minh và sáng chế của chính người Việt Nam. Những công nghệ này đều đang được triển khai khảo nghiệm và có thể ứng dụng phổ biến trên toàn quốc.
Cụ thể như lò đốt rác thải y tế công nghệ cao YT30 của ông Trịnh Đình Năng, Giám đốc Công ty HTL xây dựng; hệ thống phân loại rác tự động do kỹ sư Lại Minh Chức thuộc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và phát triển môi trường xây dựng; thiết bị xử lý nước thải công nghệ Nhật Bản do kỹ sư Trương Văn Đàn, Công ty môi trường Xanh và Xanh xây dựng.
Lò đốt rác thải y tế công nghệ cao YT30 do ông Trịnh Đình Năng xây dựng là dạng lò được thiết kế liên hoàn khi lò đang đốt vẫn có thể đưa vật liệu đốt vào. Sau khi đốt chỉ còn lại thủy tinh và ô-xit nhôm, tất cả các chất khác đều cháy hết, kể cả kim tiêm. Tốc độ đốt nhanh gấp 4 lần so với lò đốt cùng công suất của Anh, Đức, Nhật…
Đây là công nghệ được cấp bằng sáng chế trong năm 2012 nên đảm bảo tính mới có sáng tạo và có thể nhân rộng. Lò đốt rác này thuận tiện cho quá trình vận hành sửa chữa vì trên thiết bị đã gắn các thiết bị đo lường giám sát.
Ứng dụng hệ thống phân loại rác tự động do kỹ sư Lại Minh Chức thuộc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ và phát triển môi trường xây dựng đã thành công trong việc tích hợp một cách sáng tạo về cơ khí tự động hóa và công nghệ thông tin kỹ thuật số vào việc chế tạo ra tổ hợp thiết bị tự động phân loại rác thải chưa được phân loại tại nguồn.
Hệ thống phân loại rác có khả năng phân loại rác tốt, có thể thu hồi trên 80% các loại rác để có thể tái chế. Máy được lập trình tự động để phân loại rác thành 7 loại khác nhau. Mỗi loại có cửa riêng vì vậy có thể theo dõi và thu lượm các loại rác có thể tái chế. Hệ thống này được trang bị các thiết bị tự động đo lường giám sát.
Thiết bị xử lý nước thải công nghệ Nhật Bản do kỹ Trương Văn Đàn, Công ty môi trường Xanh và Xanh sáng chế. Đây là công nghệ xử lý nước thải tại nguồn được phát triển từ công nghệ xử lý Jokaso Nhật Bản được kế thừa các tính ưu việt của công nghệ Nhật Bản rất thuận tiện trong quá trình lắp đặt và vận hành, tốn ít diện tích.
Ưu điểm vượt trội là thiết bị này chịu hoàn toàn được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, lũ lụt, thiên tai… Đây là thiết bị có thể xử lý nước thải y tế, sinh hoạt vốn phần lớn nhiễm chất thải hữu cơ một cách triệt để và thể hiện được tính nổi trội trong phương án kinh tế và kỹ thuật.
Tôi cho rằng xử lý rác thải là một trong những hướng được Nhà nước ưu tiên và xã hội quan tâm. Chính vì vậy, khả năng thương mại hóa các sản phẩm trên sẽ được xã hội đón nhận tốt nếu các công nghệ thể hiện tính ưu việt.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 130 doanh nghiệp đăng ký có liên quan đến hoạt động phân loại rác. Đây là thị trường tương đối tiềm năng cho máy phân loại rác đi vào thị trường.
Bên cạnh đó, hiện rác thải từ nông thôn đến thành thị là rất lớn. Ví dụ, trung bình một người ở nông thôn phát thải 0,8kg rác/ngày, ở thành thị khoảng 1,2kg rác/ngày. Hiện rác ở nông thôn và thành thị chưa được phân loại tốt nên đây là thị trường tương đối tiềm năng để đưa các công nghệ này vào thị trường.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng các mô hình này vẫn không được ứng dụng rộng và phát triển đại trà được, theo tôi có rất nhiều nguyên nhân cả từ phía Nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, Nhà nước còn thiếu các chính sách hỗ trợ các nhà sáng chế, thiếu cơ chế hỗ trợ về vốn, công nghệ cho doanh nghiệp. Trong khi đó bản thân các nhà sáng chế đang rất yếu trong việc bảo vệ công nghệ mới của mình và phổ biến sản phẩm ra rộng rãi.
Để các các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong thời gian tới, theo tôi, ư u tiên của Chính phủ là phát triển các công nghệ tiến bộ từ trong nước từ đó nâng cao vị thế quốc gia về khoa học công nghệ và cải thiện được các chỉ số công nghệ quốc gia.
Tuy nhiên để phát triển được, Nhà nước cần hỗ trợ tuyên truyền về những ưu điểm của các công nghệ này đến công chúng và người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường tiềm năng; hỗ trợ quá trình lập kế hoạch kinh doanh để đưa các sản phẩm ra thị trường.
Đối với một số mô hình, Nhà nước cần tạo điều kiện chuyển đổi và xây dựng thành doanh nghiệp khoa học công nghệ để có thể được hưởng các ưu đãi của nhà nước như ưu đãi về thuế. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các hồ sơ để đánh giá, định giá công nghệ này giúp các doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động góp vốn và chuyển giao với các bên thứ ba.
Ngoài ra, các nhà sáng chế cũng cần được hỗ trợ kinh phí để tham gia các triển lãm quốc tế, hội chợ công nghệ góp phần quảng bá sản phẩm của mình để có thể nhân rộng và phát triển.
Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ có thỏa thuận hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ thí điểm các sản phẩm, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu cho các nhà sáng chế và nhà khoa học Việt Nam trong một số lĩnh vực ưu tiên thí điểm thực hiện.