Hệ thống công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp vi sinh vào nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Để tham gia vào công cuộc đổi mới, ứng phó với biến đổi khí hậu chung trên toàn cầu, dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam" sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt hiện thực hóa ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm thương mại và các công nghệ sạch có tính chất cạnh tranh trên thị trường.
Công nghệ sạch – Chìa khóa ứng phó với biến đổi khí hậu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Văn Tùng cho biết: Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu, nhưng những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu cũng là cơ hội để thay thế công nghệ cũ, không hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tham gia vào công cuộc đổi mới, ứng phó với biến đổi khí hậu chung trên toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam coi công nghệ sạch là chìa khóa để giảm phát thải khí nhà kính từ 8 - 10% giai đoạn 2010-2020 và tiếp tục giảm thêm 1,5 - 2% cho đến năm 2050.
Dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam – VCIC” là một phần của Chương trình đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu do Ngân hàng thế giới tài trợ với mục tiêu thiết lập mạng lưới kết nối 7 Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
VCIC sẽ góp phần vào các nỗ lực toàn diện của chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Mô hình đổi mới, sáng tạo của VCIC giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các công nghệ mới để hỗ trợ tăng trưởng xanh và bền vững đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, 50% doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng các công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
VCIC hỗ trợ, tư vấn nhiều doanh nghiệp công nghệ sạch hoạt động trong 5 lĩnh vực chính gồm: Sử dụng năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và quản lý nguồn nước.
Tại cuộc họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo dự án VCIC mới diễn ra, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định: Thời gian qua, mặc dù dự án mới khởi động và đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, nhưng dự án đã đạt được nhiều kết quả tốt và có ý nghĩa thiết thực.
Đặc biệt, nhiều kết quả đầu ra dự án vượt xa kỳ vọng như số lượng công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon được lắp đặt hoặc sản xuất; số lượng người được hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ cải tiến do các doanh nghiệp được VCIC hỗ trợ cung cấp; lượng cắt giảm khí CO2; số lượng việc làm mới do tiểu dự án trực tiếp tạo ra tăng cao.
Những dự án như sử dụng vật liệu về trấu, lọc nước liên quan đến môi trường, chống biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, đã có tác động sâu rộng đến bà con nông dân.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Khối kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Tất cả các nước, kể cả nước phát triển và đang phát triển đều có thể góp phần huy động vốn tư nhân đầu tư vào công nghệ sạch chống biến đổi khí hậu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. VCIC sẽ góp phần biến các thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội để tăng trưởng nhờ vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhân rộng những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu sáng tạo nhất.
Hiện hóa ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm thương mại và các công nghệ sạch
Năm 2016, VCIC đã triển khai kế hoạch hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Quỹ đầu tư, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh; Xây dựng và mở rộng mối quan hệ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xúc tiến cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp; Đẩy mạnh việc thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo, có ưu tiên vấn đề giới; Tiến hành tư vấn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục trình Bộ Khoa học và Công nghệ, World Bank để hoàn thiện các hợp đồng tài trợ cho các doanh nghiệp. Hiện đã có 18 doanh nghiệp được lựa chọn, ký kết hợp đồng tài trợ.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án VCIC, năm 2017, dự án VCIC tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự, hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các hoạt động hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm thương mại và các công nghệ sạch có tính chất cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ phát triển thị trường và kết nối các doanh nghiệp với người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
Theo đó, dự án sẽ tập trung vào xây dựng chiến lược và mô hình kinh doanh cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam; Hoàn thiện mô hình trung tâm như một vườn ươm doanh nghiệp: xây dựng hệ thông sinh thái vườn ươm, thiết lập cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin và các dịch vụ trực tuyến cho doanh nghiệp và các bên liên quan; Thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu; Tiếp tục các hoạt động hỗ trợ doanh nhân và doanh nghiệp gồm các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, các dịch vụ tư vấn chuyên môn, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm, phát triển kinh doanh và kết nối đầu tư; Tổ chức cuộc thi “chứng minh ý tưởng” lần thứ 2 để kêu gọi các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ từ dự án. Trong đó, dự án ưu tiên hỗ trợ nữ doanh nhân có sản phẩm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới; Xúc tiến đầu tư, kêu gọi vốn cho doanh nghiệp; tổ chức hội nghị đầu tư, kết nối mạng lưới, hỗ trợ doanh nghiệp VCIC giới thiệu sản phẩm, tham dự các cuộc thi quốc tế, các hội chợ công nghệ và bán sản phẩm. Dự án nghiên cứu thị trường để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp với người sử dụng dịch vụ và phát triển các ngành nghề liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu…