Bước đầu làm chủ thiết bị
Theo Cục Viễn thông, đến cuối năm 2029, cả ba nhà mạng viễn thông lớn của Việt Nam là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và MobiFone, Viettel đều thực hiện lắp đặt và thử nghiệm hạ tầng 5G tại ba thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, đạt tốc độ data lên tới hơn 2 Gbps và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện mạng lưới để phát sóng chính thức mạng 5G.
Tiến sĩ Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT&TT) chia sẻ: Các bước tiến mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại nhiều lợi ích lớn nhưng kèm với đó là các bài toán được đặt ra đối với các nhà quản lý cũng như các nhà phát triển mạng 5G tại Việt Nam. Cuối năm 2019, Hội đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng” thu hút hàng trăm chuyên gia và nhà khoa học trong nước đóng góp ý kiến về công nghệ, thiết bị và các điều kiện thương mại hóa 5G.
Theo đó, để thương mại hóa mạng 5G, vẫn đang cần những nghiên cứu từ nhiều góc độ về sản xuất thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị mạng 5G; Nghiên cứu học thuật về các công nghệ hạ tầng ICT (thông tin và truyền thông) băng rộng, các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghệ 4.0 (trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn... ); Nghiên cứu quy hoạch tần số cho mạng thông tin di động thế hệ mới; cho các sản phẩm, giải pháp IoT.
Tại hội nghị Vô tuyến Thế giới mới đây cũng đã đưa ra rất nhiều khuyến nghị về băng tần cho 5G, ví dụ như 700 MHz, 2,3 MHz… tất cả băng tần đã cấp cho 3G hiện nay đều có thể dùng cho băng tần 5G. Vì vậy, nếu nhà mạng muốn cung cấp 5G hiện nay có thể dùng chính băng tần đã cấp cho 3G trừ băng tần 700 MHz. Có hai băng tần thế giới đang dùng cho 5G là 2.8 - 2.6 GHz.
Từ những kết quả nghiên cứu thử nghiệm ban đầu về 5G, theo ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Ban Công nghệ VNPT, VNPT quy hoạch phát triển mạng 5G đến năm 2025 theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu (2020 - 2021) tập trung cho triển khai ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm; các tỉnh còn lại triển khai mang tính thương hiệu, theo mô hình ốc đảo triển khai theo nhu cầu dịch vụ 5G. Giai đoạn 2 (2022 - 2023), tổng số trạm dự kiến triển khai là 13.759 trạm 5G, triển khai trên toàn quốc. Giai đoạn 3 (2024 - 2025) triển khai rộng khắp, dự kiến tổng số trạm là 28.660 trạm 5G, phủ sóng diện tích 90,02% và dân số đạt 95,65%.
Một số dịch vụ 5G được VNPT định hướng gồm: 5G Mobile, cung cấp dịch vụ data như 4G nhưng tốc độ cao hơn, cung cấp các gói dịch vụ truyền hình, video 4K/8K; Vô tuyến cố định (FWA) cho doanh nghiệp, hộ gia đình tại những nơi không có cáp quang truy nhập; Thực tế ảo/thực tại ảo; cung cấp đường truyền 5G phục vụ truyền hình, phát sóng trực tiếp…
Còn TS Lê Xuân Chiến, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone cho biết: Đơn vị đã thử nghiệm lắp đặt trạm 5G tại Hà Nội và đạt được những kết quả khả quan, hứa hẹn sẽ rút ngắn thời gian thử nghiệm, sẵn sàng các yếu tố cơ sở vật chất kỹ thuật để chính thức đưa 5G vào sử dụng.
Về phía người dùng, các chuyên gia công nghệ viễn thông cho rằng, phải chờ một thời gian nữa mới thấy được lợi ích to lớn mà 5G mang lại. Đó là bởi vì cần có mạng lưới để kích hoạt công nghệ mới như thành phố thông minh, phẫu thuật từ xa, nhà máy tự động. Ba khác biệt lớn giữa 4G và 5G là tốc độ, dải tần và độ trễ giữa thiết bị và máy chủ. Những khác biệt này đòi hỏi phải xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng mới và chi hàng tỷ USD đầu tư.
Theo đánh giá từ kết quả nghiên cứu ban đầu, tốc độ là một trong số các yếu tố được mong đợi nhất của 5G. Về lý thuyết, 5G dự kiến nhanh gấp 100 lần 4G. Với tốc độ như vậy, người dùng có thể tải bộ phim dài 2 tiếng chỉ trong chưa đầy 10 giây (trong khi trên 4G mất khoảng 7 phút). Tốc độ này đạt được vì hầu hết mạng 5G được xây dựng dựa trên tần số cao, tần số càng cao thì tốc độ dữ liệu càng nhanh. Tuy nhiên, nhược điểm của công nghệ này là không thể truyền dữ liệu đi xa, thậm chí còn khó truyền qua tường, cửa sổ, cột đèn và các bề mặt cứng khác và không thuận tiện vì người sử dụng thường phải di chuyển liên tục từ điểm này tới điểm kia.
Để khắc phục, nhà mạng lắp đặt vô số trạm thu phát nhỏ (small cell site) tại các cột đèn, tường hay tháp. Vì lý do này, nhà mạng triển khai 5G theo từng thành phố.
Định hướng phổ cập mạng 5G từ năm 2020
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành TT&TT Việt Nam về việc từ nay chúng ta không tiếp tục đi sau, mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Sau thử nghiệm 5G, bước tiếp theo làm thế nào để nâng cao chất lượng mạng 5G trên toàn quốc và chỉ rõ vai trò 5G trong mạng di động toàn cầu. Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là công nghệ cao, ở đó rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng.
Bộ TT&TT khẳng định việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G. Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G vào năm 2020. Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ cũng như chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số, phải làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như: công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI….
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ TT&TT trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Chương trình công tác giai đoạn mới như việc phổ cập 5G, phổ cập điện thoại thông minh, dịch vụ công trực tuyến nên được chủ động triển khai sớm từ đầu năm 2020. Chúng ta công bố về thành công trong sản xuất thiết bị 5G ở Việt Nam, thì tính phổ cập trong năm 2020 phải được đặt ra. Chúng ta xác định 5G là hạ tầng quan trọng… Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia”.