Chuyển đổi số không của riêng ai
Cụm từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhắc đến nhiều trong vài năm gần đây tại Việt Nam. “Về hạ tầng công nghệ thông tin, Việt Nam có mạng viễn thông rộng khắp với hơn 51 triệu thuê bao dùng mạng 3G, 4G. Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm mạng 5G tại một số thành phố lớn. Đó là nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Tiến sĩ Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho biết.
Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hiện hữu. “Cách đây 5 năm, không ai nghĩ ngành vận tải sẽ bị đe dọa vì ai cũng phải đi lại, đó là nhu cầu cấp thiết. Nay mọi người ở đô thị đều đã gọi xe qua gọi ứng dụng dẫn tới cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và xe gọi qua ứng dụng công nghệ. Hoặc như việc các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang phải cạnh tranh khốc liệt với các trang bán hàng online. Những thay đổi này đang tác động từng ngày, từng giờ đến hoạt động của con người dẫn đến sự thay đổi của phương thức quản lý, mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất”, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam đánh giá.
Ở cấp độ Chính phủ, Việt Nam cũng đã có những bước đi nền tảng để chuẩn bị bước vào cuộc cách mạng này. Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đến tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giáo sư Hồ Tú Bảo (Viện nghiên cứu Cao cấp về toán), chuyên gia về chuyển đổi số đánh giá: Nghị quyết 52 là bước chuyển lớn về nhận thức từ cấp cao nhất Việt Nam. Chủ trương định hướng đã có, vấn đề là sự triển khai của cả bộ máy, chính quyền các cấp và doanh nghiệp. Công cuộc chuyển đổi số sẽ gắn liền với 3 trụ cột gồm: Chính phủ điện tử (Chính phủ số) - kinh tế số - xã hội số”.
Trong đó, Chính phủ điện tử được thiết kế xây dựng trên 6 nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn gồm: CSDL quốc gia về dân cư; CSDL về bảo hiểm xã hội (BHXH); CSDL đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số; CSDL quốc gia về tài chính. Nguồn cơ sở dữ liệu này đã được các bộ, ngành triển khai trong những năm qua.
Sau 2 năm triển khai, CSDL BHXH đã được nhập với dữ liệu của 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 488.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 13,11 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia BHYT. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH còn quản lý thông tin của 3,6 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp trợ cấp hàng tháng, thông tin khám chữa bệnh BHYT (trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh).
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin BHXH Việt Nam chia sẻ: Trước kia thay đổi lương cơ sở để tính lương hưu, hệ thống BHXH mất cả tháng để tính toán, nhập sổ sách. Nay chỉ cần điều chỉnh trên hệ thống và hướng dẫn trong vài ngày và đến đúng ngày giờ bấm chuyển công thức tính, toàn bộ số người tính tăng tiền lương, trợ cấp theo lương cơ sở được thay đổi, công khai minh bạch.
Có thể thấy nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, đỊa phương về cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Khi có hệ thông này, phương thức quản lý, điều hành đã có sự thay đổi theo đúng hướng là Chính phủ kiến tạo và phục vụ làm trọng tâm.
Còn Bộ Y tế đang triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử để quản lý toàn diện sức khoẻ cho người dân. Bộ Y tế đã thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 26 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình của 8 tỉnh, thành phố. Trung tuần tháng 11/2019, Bộ Y tế đã ký phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đồng loạt triển khai phần mềm này. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 100% các tỉnh, thành phố triển khai thành công hồ sơ sức khỏe điện tử.
CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng từ năm 2010. Hiện CSDL này đang lưu giữ thông tin đăng ký của hơn 1 triệu doanh nghiệp, bao
gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhằm minh bạch hóa thông tin đăng ký của doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều có thể tra cứu miễn phí những thông tin căn bản, cập nhật nhất của doanh nghiệp, ví dụ như tên doanh nghiệp, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật, tình trạng hoạt động. Ở cấp địa phương, Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính dựa trên cơ sở xây dựng Chính quyền điện tử với việc hoàn thành trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và thực hiện 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Với những tiện ích đa dạng và cung cấp đầy đủ bộ thủ tục hành chính của tỉnh ở cả 3 cấp, số lượng công dân trực tuyến luôn đạt trung bình trên 1.500 người. Tính từ khi đưa vào vận hành năm 2016 đến đầu tháng 12/2019, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và xử lý qua mạng trên 223.420 hồ sơ. Còn thành phố Hà Nội cũng đã triển khai 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đạt hơn 80% và giải quyết hơn 2,2 triệu hồ sơ.
Ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, với hệ thống dịch vụ công trực tuyến 3 cấp Hà Nội, toàn bộ dữ liệu và quá trình giải quyết đều được kiểm soát. Thủ tục đang “ùn” ở khâu nào đều được hiển thị và ngay lập tức các bộ phận, đơn vị phải họp bàn để giải quyết. Có thể thấy nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Khi có hệ thống này, phương thức quản lý, điều hành đã có sự thay đổi theo đúng hướng là Chính phủ kiến tạo và phục vụ làm trọng tâm.
Cơ hội bứt phá
Sau khi hoàn thành hệ thống dữ liệu quốc gia, việc kết nối liên thông dữ liệu đã phát huy hiệu quả của Chính phủ điện tử. Trong năm 2019, có 2 sự kiện đánh dấu việc liên thông dữ liệu mang đến những hiệu quả thuận lợi cho người dân. Cuối tháng 11/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin thông qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để liên thông việc đăng ký khai sinh với cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trên cả nước hàng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang BHXH để cấp thẻ BHYT. Người dân sẽ không phải mất công đi đến phường, xã kê khai làm thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, mà khi làm khai sinh, hệ thống sẽ tự liên thông dữ liệu để cấp thẻ. “Đó là những tiện tích cho thấy hiệu quả kết nối dữ liệu trong quản lý điều hành”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhận định.
Đầu tháng 12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến được khai trương. “Việc đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm 4.222 tỷ đồng/mỗi năm so với phương thức truyền thống, giảm thiểu sự rườm rà, tiết kiệm thời gian cho người dân và các doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, khi hoàn tất dữ liệu, hồ sơ quản lý sức khỏe người dân sẽ được liên thông từ trạm y tế xã đến các cơ sở y tế tuyến trên. Lúc đó, người dân đến khám tại bất kỳ cơ sở y tế, bác sĩ có thể tra cứu đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đến khám. Đối với BHYT, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có. Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng mã định danh y tế cho người dân, bảo đảm mỗi hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được cấp phát một mã định danh y tế vào năm 2020.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam nhận định, ngành ngân hàng, tài chính sẽ có những chuyển mình lớn nhất trong thời gian tới. Một trong những thay đổi lớn là thanh toán qua ví điện tử. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Theo Nghị định 02 của Chính phủ, các dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, viễn thông... tại các khu vực đô thị sẽ sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đây sẽ là cơ hội cho các đơn vị ví điện tử phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bức tranh về cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã bắt đầu. Sau khi có Nghị quyết 52, những nút thắt trong công cuộc chuyển đổi số về chính sách sẽ được tháo gỡ. Bên cạnh đó là sự tiếp cận từ người dân khi sử dụng dịch vụ số, cùng với việc triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ tạo ra sự thay đổi trong sản xuất, quản lý và làm việc trong thời đại số.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho biết: Đến nay, Việt Nam có cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thời gian tới, với vai trò được Chính phủ giao là đầu mối về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ KH&CN tập trung thúc đẩy mạnh mẽ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới; định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng Đề án Kết nối tri thức Việt toàn cầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư…