Dự án có tổng nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 90%, ngân sách địa phương 10%, do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2015-2020. Hiện đơn vị chức năng đang triển khai giai đoạn 1 của dự án nhưng tiến độ quá chậm do nhiều hộ dân phản đối chính sách đền bù, không bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng lớn đến việc thi công đập dâng Phú Hòa.
Xây dựng kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: binhdinh.gov.vn |
Theo Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đến nay, tuyến sông Hà Thanh đoạn hạ lưu đập Phú Hòa mới chỉ thi công được 660/1.280 m tuyến đê bờ hữu. Các nhà thầu đang thi công 620m tuyến đê bờ hữu và 820/1.200m tuyến đê bờ tả. Riêng đập dâng Phú Hòa cũng mới chỉ cơ bản hoàn thành chưa được một nửa khối lượng công việc.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tuyến sông Hà Thanh, đoạn hạ lưu đập Phú Hòa và đập dâng Phú Hòa phát sinh nhiều vướng mắc. Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng chưa thống nhất phương án, mức bồi thường, việc tái định cư; một số người đã cản trở đơn vị thi công.
Dự án bị triển khai chậm trễ khiến lãnh đạo tỉnh Bình Định lo lắng, bởi nguồn vốn đã tạm ứng cho nhà thầu thi công lên đến 201 tỷ đồng, nhưng đến ngày 15/4/2018 mới thực hiện được khối lượng công trình trị giá 63,8 tỷ đồng; bên cạnh đó nguồn vốn Trung ương bố trí năm 2017 là 44 tỷ đồng chỉ mới giải ngân được 1 tỷ đồng, có thể bị thu hồi vì không đảm bảo tiến độ.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số hộ dân có nhà ở sống dọc sông Hà Thanh bị giải tỏa "trắng" nhưng không được bồi thường, hỗ trợ nên người dân không chấp nhận di dời.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Quy Nhơn (đơn vị được UBND thành phố Quy Nhơn giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án), những hộ dân này có nhà ở không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây nhà ở sau thời điểm ngày 1/7/2004 nên không thuộc diện được bồi thường theo quy định.
Ông Nguyễn Hoàng Quốc (tổ 6, khu vực 6, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn) cho biết: “ Khi tôi làm nhà chính quyền không phản ứng gì, chính quyền cũng cấp phép sửa chữa nhà cho tôi, gia đình đóng thuế đầy đủ hàng năm, đất không tranh chấp. Bây giờ dự án giải tỏa trắng, không bồi thường cho gia đình”. Một số hộ dân ở đây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự gia đình ông Quốc, bị giải tỏa trắng mà không được bồi thường, hỗ trợ.
Mới đây vào chiều 18/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã đến hiện trường kiểm tra công tác thi công và đến nhà của từng hộ dân trao đổi, trả lời cụ thể những khiếu nại của người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án. Theo ông Hồ Quốc Dũng, công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương quá lỏng lẻo khi để người dân xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, đồng thời công tác dân vận không tốt khi giải tỏa "trắng" mà không bồi thường, hỗ trợ khiến người dân bức xúc.
Sau khi nghe các hộ dân trình bày sự việc và nguyện vọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Hội đồng bồi thường hỗ trợ đất tái định cư và hỗ trợ 50% giá trị công trình, tài sản trên đất đối với những gia đình không thuộc diện được bồi thường theo quy định. Với quyết định hỗ trợ hợp tình hợp lý này, những hộ thuộc diện bị giải tỏa đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để đơn vị chức năng tiếp tục thi công.
Làm việc với Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã phê bình UBND thành phố Quy Nhơn không sâu sát thực tế, xử lý tình huống còn cứng nhắc, chưa giải thích cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của dự án và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Hội đồng bồi thường tái định cư thành phố Quy Nhơn vận dụng tất cả những chính sách để hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng dự án được hưởng quyền lợi cao nhất; tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đảm bảo tiến độ.