Theo đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Thực trạng kinh tế chung đầu quý III/2021 đang xấu hơn nhiều do tác động tiêu cực từ đợt dịch bùng phát rộng, nhất là khi TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội không nhất quán giữa nhiều địa phương đang khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn; thậm chí, một số doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch đã xâm nhập vào một số nhà máy mặc dù nhiều doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” theo đúng yêu cầu từ cơ quan y tế, công nhân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngành lương thực thực phẩm có vai trò trọng yếu nên nếu tình trạng này tiếp tục lan rộng thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh là rất lớn.
Một số doanh nghiệp cho rằng, thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với doanh nghiệp vừa. Doanh nghiệp quy mô lớn cũng chỉ duy trì tối đa 4-5 tuần. Bởi thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải gồng gánh quá nhiều khoản chi phí như chi phí xét nghiệm hàng tuần, trang bị điều kiện cho công nhân ăn - ngủ - làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, bao bì - vật tư - phụ liệu tăng cao…
Phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” trong hoạt động sản xuất cũng cho thấy vẫn còn nhiều kẽ hở, hình thành nên những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn. Cụ thể, nguồn lây từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất như giao nhận lương thực, thực phẩm, vật tư, nguyên liệu, thành phẩm, hồ sơ; F1 chuyển thành F0 trong khu sản xuất... - đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan chia sẻ thêm.
Trong khi đó, đặc thù của ngành lương thực thực phẩm là khi tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, ngoài các nguyên liệu chính thì doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều nhà cung cấp những loại nguyên phụ liệu khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, khả năng những nhà cung cấp này có thể sẽ dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 bất cứ lúc nào và nếu bị "gián đoạn" thì doanh nghiệp sản xuất phải ngừng hoạt động.
Trước khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh thành lập “Tổ phản ứng nhanh của TP Hồ Chí Minh” trên cơ sở có sự tham gia của Lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế, Sở Công Thương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC). Tổ này, khi tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp cần ưu tiên ngay lập tức kết hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc UBND quận/huyện để triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ thực hiện cách ly diện nguy cơ cao ra khỏi nhà máy, đánh giá nhóm đối tượng đưa vào khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng... để có thể đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh. Những hỗ trợ kịp thời sẽ góp phần xử lý nhanh chóng vấn đề lây nhiễm COVID-19, giảm nguy cơ dịch lan rộng trong doanh nghiệp. Tổ phản ứng nhanh của TP Hồ Chí Minh còn có thể là đơn vị chủ động xây dựng trước những phương án ứng phó với dịch COVID-19 dành riêng cho từng ngành nghề, lĩnh vực nói chung và ngành lương thực thực phẩm nói riêng.
Đối với những nhóm ngành sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm rất cần có một kế hoạch phòng chống dịch linh động, phù hợp với tình hình thực tế để chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất có thể chuẩn bị đáp ứng điều kiện phòng chống dịch COVID-19 và quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu vào dịp cuối năm.
Nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch và tạo thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh tình trạng doanh nghiệp rơi vào nợ xấu; xem xét duy trì giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ, hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước...
Doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm mong muốn được bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... từ nhà nước; đồng thời, được áp dụng điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, để doanh nghiệp được tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% như hiện nay lên 85%.
Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tạo liên kết đơn vị phân phối, bán lẻ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng sớm hơn thời gian quy định trước đây (từ 15 - 30 ngày rút ngắn xuống khoảng 3 ngày). Từ đó doanh nghiệp có thể tạo nguồn vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn phòng chống dịch.
Hiện nay và trong giai đoạn tới, sở, ngành TP Hồ Chí Minh cần cụ thể quy định của Trung ương và chỉ đạo quyết liệt địa phương, chốt kiểm soát cần thực hiện nghiêm thủ tục, yêu cầu về kiểm tra, phòng chống dịch COVID-19... Đây là yêu cầu cấp bách, nhằm tránh tình trạng áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn doanh nghiệp, riêng trường hợp phát hiện vi phạm cần xử lý mạnh để răn đe.
Với vai trò là hạt nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND TP Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh làm đầu mối giúp doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ yêu cầu các tỉnh, thành phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu; đồng thời, tạo mọi điều kiện phát triển, không bị đứt gãy nguồn cung nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm...trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp đã đồng hành cùng chính quyền thành phố trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19. Hiện tại, UBND TP Hồ Chí Minh đang nắm bắt kịp thời những khó khăn chung của nền kinh tế thành phố và riêng của doanh nghiệp ở từng ngành nghề, lĩnh vực để tháo gỡ sớm nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Nhiều cơ chế chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã linh hoạt, điều chỉnh, ban hành và đang khẩn trương triển khai trong thực tế. Cụ thể, đối với khó khăn về lưu thông hàng hóa thiết yếu liên tỉnh, thành hay trên địa bàn, hiện TP Hồ Chí Minh đã cơ bản từng bước giải quyết, tháo gỡ ách tắt và khơi thông khâu vận chuyển cho doanh nghiệp, cũng như người dân.
Về đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức nỗ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn. Sở, ngành TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích doanh nghiệp liên kết chính quyền địa phương, nhà bán lẻ... làm đầu mối tổ chức hoạt động thương mại, phân phối hàng hóa thiết yếu đến người dân, nhất là ở khu cách ly, khu phong tỏa...