Đây là một trong những sự kiện quan trọng tại Hội nghị trù bị nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực - Thực phẩm năm 2021 của Liên hợp quốc.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng khẳng định, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã có chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư, hiện đại hóa nông nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo và những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam sẽ tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung cấp lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Phó Thủ tướng đề nghị, cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và xuyên biên giới; gắn kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu của doanh nghiệp, của hệ thống lương - thực thực phẩm và của cả nền kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn trở thành một trung tâm sáng tạo về hệ thống lương thực - thực phẩm (Food Innovation Hub) của khu vực châu Á.
Tại phiên họp quan trọng này, lãnh đạo cấp cao của một số nước ở các khu vực địa lý khác nhau và một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các kiến nghị nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi; xây dựng hệ thống lương thực - thực phẩm bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Các ý kiến phát biểu, đề xuất của đoàn Việt Nam được nhiều đại biểu chia sẻ và đánh giá tích cực.
Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị trù bị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đề xuất nhân rộng các sáng kiến của các tổ chức nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cấp cơ sở trong kết nối chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách minh bạch và công bằng, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng thành tựu mới của công nghệ 4.0 để phát huy tối đa giá trị đa tích hợp cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường của nông sản. Những mô hình mang giàu tính sáng tạo từ thực tiễn là tiền đề để tất cả các tác nhân trong hệ thống lương thực - thực phẩm cùng chia sẻ giá trị, trách nhiệm, hành động và lợi ích trên mọi phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo báo cáo về an ninh lương thực và dinh dưỡng 2020 do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc công bố, ước tính, hiện nay trên thế giới vẫn còn khoảng 690 triệu người bị đói; khoảng 2 tỷ người đang thường xuyên phải đối mặt với sự thiếu hụt thực phẩm và dinh dưỡng; 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, lâm vào tình trạng chậm phát triển hoặc thừa cân, béo phì.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên đã tổ chức các cuộc đối thoại cấp quốc gia và khu vực nhằm định hướng hành động, xây dựng lộ trình để phát triển hệ thống lương thực - thực phẩm của các quốc gia theo hướng bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.