Thuế là nguồn thu rất quan trọng, chiếm gần 90% nguồn thu của ngân sách. Kể từ khi đổi mới và hội nhập sâu rộng với quốc tế, Việt Nam đã liên tục cải cách các chính sách thuế trên tinh thần tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Khi cải cách một chính sách thuế, nên ưu tiên các mục tiêu là đơn giản hóa, dễ thi hành, dễ kiểm soát, minh bạch, hướng tới ổn định kinh tế - xã hội.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đạt được nhiều kết quả nhưng theo Bộ Tài chính với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết: Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu được Nhà nước sử dụng như một công cụ hiệu quả để điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập của người tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt trên tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm chiếm khoảng từ 8-9%. Cụ thể, trong 5 năm (từ năm 2017-2023), cơ cấu số thu thuế tiêu thụ đặc biệt trên tổng thu ngân sách nhà nước đã được cải thiện. Nếu như năm 2017, cơ cấu số thu thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm khoảng 8,32% tổng thu ngân sách nhà nước và 1,71% GDP thì năm 2023 chiếm khoảng 8,8% tổng thu ngân sách nhà nước và 1,36% GDP.
Vì vậy, việc hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu, đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật sẽ góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, góp phần thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước.
Trao đổi với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một sắc thuế tiêu thụ đặc biệt tốt ngoài các mục tiêu như định hướng hành vi tiêu dùng, tăng thu ngân sách thì cần tính tới các yếu tố: tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ phải đáp ứng được những yêu cầu trên.
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi với các nội dung chính, gồm: mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, nước giải khát không cồn, sản phẩm thuốc lá mới, kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng… Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế; quy định về biểu thuế, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (bổ sung).
Mục đích của sửa Luật lần này nhằm hoàn thiện các quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu ngân sách, đảm bảo minh bạch, dễ thực hiện. Đồng thời, đổi mới các quy định theo hướng gia tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt và mở rộng các đối tượng hàng hóa chịu sắc thuế này, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành chỉ quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Do đó, dự thảo Luật mới sẽ bổ sung nhiều nhóm, hàng hóa dịch vụ và đưa ra lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp cho từng loại, nhóm hàng hóa, dịch vụ. Về các nhóm hàng hóa, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ quy định rõ mặt hàng thuốc lá bao gồm: thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, xì gà, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm từ cây thuốc lá.
Đối với mặt hàng xe ô tô, dự án Luật bổ sung xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm cả xe chở người, xe 4 bánh có gắn động cơ, xe ô tô pick-up chở người, xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên.
Đối với nhóm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật mới quy định rõ dịch vụ kinh doanh đặt cược, bao gồm cả đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, bổ sung dịch vụ kinh doanh sân tập golf vào đối tượng dịch vụ chịu mức thuế suất này.
Với mặt hàng rượu, bia, dự thảo Luật sẽ bao gồm cả tất cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm được lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm. Các loại nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml cũng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các chuyên gia cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ngoài việc điều tiết tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường nhằm nâng cao sức khoẻ toàn dân, cải thiện năng suất lao động và phát triển bền vững còn giúp cho nguồn thu ngân sách được cải thiện đáng kể…
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội y học Việt Nam), bên cạnh các giải pháp thông tin, giáo dục, truyền thông, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm để thay đổi nhận thức, thuế là giải pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi tiêu dùng đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường gây hại đến sức khỏe.
Theo tính toán, nếu tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ làm giảm khoảng 5-8% mức tiêu thụ thuốc lá và rượu bia, giảm từ 8-13% mức tiêu thụ đồ uống có đường. Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, thuế thuốc lá là giải pháp tối ưu quyết định từ 50-60% hiệu quả trong phòng chống tác hại thuốc lá.