Cây nhãn giúp xã Thái Bình đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Cây nhãn Thái Bình (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) với thương hiệu Nhãn Bình Ca đã quen thuộc với không chỉ người dân Tuyên Quang mà còn rất nhiều các tỉnh, thành.

Bộ mặt nông thôn nơi đây đang ngày một giàu đẹp hơn nhờ đóng góp không nhỏ của cây nhãn cũng như các sản phẩm từ nhãn trong phát triển kinh tế địa phương.

Chú thích ảnh
Một năm được mùa của người trồng nhãn ở xã Thái Bình. 

Cách đây 5 năm, Thái Bình vẫn đang là một xã thuần nông của huyện Yên Sơn, thu nhập bình quân đạt khoảng 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 9,7%. Hiện tại, Thái Bình là một trong hai xã cán đích nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang.

Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã đã cơ bản cứng hóa; 99% các hộ gia đình được sử dụng điện lưới, trên địa bàn xã đã không còn nhà tạm, dột nát; xã cũng đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã với tỷ lệ người tham gia bảo hiểm đạt 95,1%; 09/09 thôn trên địa bàn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”; 97% số hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”; thu nhập bình quân đạt 49,3 triệu đồng/người/năm. Xã Thái Bình đã và đang ngày một thay da đổi thịt.

Việc đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân phải kể đến sự chủ động của chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch và quy hoạch được sản phẩm hàng hóa chủ lực. Nổi bật trong đó là vùng trồng nhãn tập trung với trên 140 ha trong đó gần 100 ha nhãn đang cho thu hoạch. Xã cũng đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu OCOP Nhãn Bình Ca để tiến tới xuất khẩu ra thị trường trong nước và xa hơn là xuất khẩu ra nước ngoài. Tại huyện Yên Sơn, xã Thái Bình là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn tập trung lớn nhất.

Để phát huy hiệu quả kinh tế từ cây nhãn, Hội Nông dân xã cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, học tập mô hình trồng nhãn từ các vùng nhãn có tiếng như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương. Qua chắt lọc, các hộ trồng nhãn của xã đã lựa chọn phương thức ghép mắt bằng cành giống chất lượng cao để tăng năng suất thu hoạch cũng như chất lượng quả nhãn. Đến nay, trên 80% số cây nhãn cũ của xã đã được ghép cải tạo.

Xã cũng khuyến khích bà con nông dân trồng nhãn kết hợp phát triển nghề nuôi ong lấy mật từ nguồn hoa nhãn dồi dào, đến nay, tổng đàn ong trên địa bàn xã đã lên tới gần 3.000 đàn. Thương hiệu Mật ong Bình Ca đã có chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến.

Anh Vũ Văn Tâm, thôn 9 xã Thái Bình chia sẻ, kinh nghiệm ghép mắt chất lượng cao cho cây nhãn cũ đã được áp dụng nhiều năm trở lại đây, các hộ trồng nhãn trên địa bàn đã tiến hành cải tạo vườn nhãn bằng phương pháp ghép cành bước đầu đã mang lại hiệu quả cao gấp 2,5 lần so với giống gốc.

Cây ghép khi ra quả giá bán tăng hơn 2 lần so với cây chưa cải tạo. Kết hợp với nuôi ong mật, thu nhập của bà con trồng nhãn cũng ngày một cải thiện, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, đường giao thông đi lại thuận tiện cùng với lợi thế là xã giáp danh với thành phố Tuyên Quang càng tạo thêm động lực giúp Thái Bình sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình khẳng định, để có được những thành quả hiện nay, chính quyền xã Thái Bình đã triển khai có hiệu quả nhiều bước đột phá trong sản xuất hàng hóa theo Đề án phát triển, cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao xã Thái Bình; đồng thời quy hoạch vùng sản xuất cho cây nhãn có năng suất cao, sản lượng ổn định, chất lượng quả tốt…

Chú thích ảnh
Nhiều hộ gia đình tại xã Thái Bình giàu lên nhờ cây nhãn. 

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là động lực mạnh mẽ giúp Đảng bộ, chính quyền xã Thái Bình tiếp tục cùng với nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư trong thực hiện bộ tiêu chí; khuyến khích, động viên nhân dân chủ động đóng góp sức người, sức của trong khả năng của mình.

Cùng với định hướng phát triển thương hiệu cho quả nhãn, xã cũng thành lập 2 hợp tác xã là Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu và Hợp tác xã nông sản an toàn Núi Mây, qua đó xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Quả nhãn Bình Ca thực sự đã đem lại thu nhập khá cho người dân, đồng thời tạo động lực quan trọng giúp xã sớm cán đích nông thôn mới nâng cao và tiến tới về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2021. 

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang cho biết, xã Thái Bình được lựa chọn là một trong những xã đầu tiên về đích nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh trong năm 2021. Để nâng cao hiệu quả vùng trồng nhãn, Sở đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia và Viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ xã Thái Bình cải tạo năng suất và chất lượng cho cây nhãn bằng phương thức ghép cành chất lượng cao, nhằm phát huy tiềm lực sẵn có trên cây nhãn; giúp xây dựng các sản phẩm từ cây nhãn như quả nhãn, mật ong nhãn, long nhãn...bằng các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới thông qua phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền xã Thái Bình tổ chức các buổi tập huấn, học tập kinh nghiệm nhằm phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã; hỗ trợ xã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn, nông thôn mới nâng cao tiến tới là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2021.

Bài và ảnh: Nam Sương (TTXVN)
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Sáng 28/7, với 476/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,39% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN