Tiếp tục phát huy kết quả giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

Ngày 27/7, theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội tại Hội trường về hai Chương trình mục tiêu Quốc gia - giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cử tri các tỉnh Nam Định, Vĩnh Long cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng các chương trình nhằm tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được của hai chương trình, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...

Lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp

Chú thích ảnh
Kênh mương dài hơn 2 km ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Ông Phạm Lê Hà, Trưởng phòng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, nhấn mạnh, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tỷ lệ hộ nghèo, số hộ tái nghèo giảm dần qua các năm là minh chứng rõ nét nhất về tính đúng đắn, hợp lý và cần thiết của chương trình này.

Theo ông Hà, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người nghèo, người gặp rủi ro, người khuyết tật, lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các quỹ hỗ trợ quốc gia, trợ cấp, tín dụng ưu đãi, tạo sinh kế cho nhóm đối tượng này; tăng đầu tư công vào khu vực nông thôn, miền núi; có cơ chế, chính sách, giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực về vốn thực hiện chương trình này phù hợp...

Sau 5 năm (2016-2020), thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Nam Định từ 5,7% trong năm 2015 đã giảm xuống còn 0,86% vào năm 2020. Để có được kết quả đó, tỉnh đã lồng ghép mục tiêu giảm nghèo với thực hiện xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội một cách hiệu quả.

Đánh giá về kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua, cử tri tỉnh Nam Định cho rằng dù vẫn còn những khó khăn, vướng mắc song về tổng thể chương trình đã mang lại hiệu quả rõ nét, thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Trong giai đoạn mới, cần tiếp tục thực hiện chương trình này theo hướng lựa chọn cách làm, bước đi linh hoạt, phù hợp với thực tế của địa phương, vùng, miền.

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, chia sẻ, Nam Định là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, được công nhận là tỉnh nông thôn mới vào năm 2019. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Định thời gian qua đã đạt được những kết quả to lớn, toàn diện, tạo nên một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và được cả hệ thống chính trị vào cuộc, mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng hưởng ứng, nhiệt tình tham gia.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, để xây dựng nông thôn mới thực sự hiệu quả phù hợp với đặc thù, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng, miền, các tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”.

Các địa phương cần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn với đô thị và kết nối liên vùng; tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn.

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Nguyễn Sinh Tiến cho biết, nhìn chung, Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 được ban hành chậm so với yêu cầu thực tiễn nên nhiều địa phương lúng túng trong việc rà soát, đánh giá thực trạng để xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Đối với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng cần rà soát cho phù hợp với tình hình thực tiễn (nhất là nhóm tiêu chí về hạ tầng, thu nhập ...). Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, dự báo nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn, do vậy cần có giải pháp để khắc phục, tháo gỡ kịp thời.

Tính đến hết năm 2020, Nam Định có 80 xã, thị trấn về đích nông thôn mới nâng cao. Nam Định phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu...

Nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Phan Hồng Hạnh cho rằng nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không đối với hộ nghèo nên chưa khuyến khích người nghèo tự vươn lên cũng như còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Đa số người nghèo có ít đất hoặc không có đất sản xuất, việc làm ổn định nên khả năng vươn lên thoát nghèo thấp. Bên cạnh đó, nguồn lực cho thực hiện chương trình giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, người nghèo thiếu kiến thức khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ, lẻ, manh mún đầu ra sản phẩm của người nghèo chưa được đảm bảo. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao do nguyên nhân tách hộ, tai nạn, bệnh tật, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cử tri Phan Hồng Hạnh kiến nghị Chính phủ, UBND tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo đặc thù theo hướng chỉ hỗ trợ không hoàn lại cho hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, còn lại các hộ nghèo khác phải có đóng góp khi tham gia trong các dự án giảm nghèo nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Các cấp, ngành cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo; khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; mô hình du lịch cộng đồng tạo sự liên kết giữa những hộ khá và hộ nghèo, cận nghèo để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định, nâng cao đời sống.

Tạo cơ sở pháp lý mạnh để triển khai thực hiện

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Lê Văn Dũng cho rằng Chương trình đã lồng ghép nhiều nội dung quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trong giai đoạn tới như: xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình OCOP, phát triển làng nghề, phát triển hợp tác xã, nước sạch (tiêu chí môi trường), khởi nghiệp nông thôn, chuyển đổi số trong nông nghiệp… Chương trình được Quốc hội phê duyệt sẽ tạo cơ sở pháp lý mạnh để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, việc quy định chi thường xuyên cho hoạt động của Ban Chỉ đạo như thẩm định, chi phụ cấp kiêm nhiệm, chi duy tu sửa chữa và đặc biệt là chi vận hành công trình sau khi chương trình kết thúc… sẽ giúp các địa phương quản lý, khai thác nguồn lực tốt hơn, nhất là các thiết chế văn hóa.

Việc hỗ trợ xã đạt chuẩn để giữ vững và nâng chất tiêu chí là nội dung rất cần thiết vì thời gian qua do nguồn lực có hạn nên ngân sách địa phương chỉ bố trí vốn cho các xã đang xây dựng nông thôn mới do đó những xã đã đạt chuẩn có nhiều công trình xuống cấp nhưng chưa kịp thời duy tu, sửa chữa.

Theo cử tri Lê Văn Dũng, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây nông thôn mới mà Chính phủ trình Quốc hội vẫn còn một vài nội dung, mục tiêu mà địa phương phải nỗ lực rất cao để thực hiện trong gian tới như: thu nhập tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông, 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về giáo dục, 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 về văn hóa theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, hay có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập… Trong khi đó, điều kiện, khả năng ngân sách có hạn, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã bão hòa, có dấu hiệu chậm lại; đây là bài toán khó đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các cấp, ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân mới có thể thực hiện được.

Vũ Đạt - Minh Tuấn (TTXVN)
Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo bền vững
Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo bền vững

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN