Những người tiên phong
Từ năm 2013, thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, anh Sền Quang Thào, ở thôn Dì Thàng 1, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương trồng hơn 1 ha quýt ngọt. Đến nay, vườn quýt nhà anh đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình trồng, chăm sóc, dù đã tích lũy kinh nghiệm, song anh vẫn gặp nhiều lúng túng trong việc nhân giống, chăm sóc, phòng bệnh cho cây.
Cây quýt ngọt trên vùng đất cằn Mường Khương.
|
Để có thêm kiến thức, anh đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả do huyện tổ chức tại xã. Anh Thào cho biết: “Quá trình học đã cung cấp cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào chăm sóc vườn cây của gia đình. Vụ quýt vừa qua gia đình tôi thu về trên 20 tấn quả, thu nhập gần 300 triệu đồng. Thông qua lớp học, có thêm những hội viên mới để cùng nhau hợp tác xây dựng thương hiệu quýt ngọt Mường Khương”.
Cũng như anh Thào, ông Phào Seo Phà, ở thôn Cán Hồ, xã Tung Chung Phố cũng là một trong những hộ tiên phong trồng cây sa nhân. Lúc đầu ông cũng chỉ đi “học mót” để trồng theo kiểu “được ăn, thua chịu” và ông cũng đã bị thất bại khá nhiều tưởng chừng như phải đoạn tuyệt với cây sa nhân. Nhờ nắm bắt nhu cầu của người dân, cũng như lợi thế của địa phương với cây trồng này, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện mời những người có kinh nghiệm trồng sa nhân về truyền dạy kinh nghiệm, kỹ thuật trồng.
Từ khi có kiến thức về trồng và chăm sóc cây sa nhân, sau hơn 3 năm trồng, trên 5.000 gốc sa nhân dưới tán rừng, gia đình ông đã cho thu hoạch ổn định, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhờ cây sa nhân mà từ một hộ nghèo trong thôn, ông Phà đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà kiên cố, khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt cho gia đình. Ông Phà cho biết, so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân không phải làm cỏ mà chỉ phải bón phân một lần duy nhất vào lúc mới trồng, nên ít tốn chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao.
Từ hiệu quả bước đầu, đến nay gia đình ông Phà lại tiếp tục trồng thêm 7.000 gốc sa nhân nữa. Đến nay, nhiều hộ gia đình trong xã Tung Chung Phố đã mạnh dạn nhân giống và trồng dưới tán rừng, với diện tích trên 10 ha, tất cả đều phát triển tốt.
Có ánh sáng soi đường
Theo ông Vương Đức Quân, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương, năm 2016, huyện đã tổ chức được hơn 10 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, với gần 1.000 người tham gia; 50 lớp phi nông nghiệp cho 2.572 lao động nông thôn. “Từ cuối năm 2013, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn, để xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với tình hình thực tế, đặc biệt là gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết của huyện ủy đề ra, nên các lớp học tổ chức ra đã thu hút học viên nhiệt tình tham gia”, ông Quân cho biết.
Qua các lớp học nghề, người dân đã dần thay đổi phương thức sản xuất cũ, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng tích cực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay của huyện lên 34,4%. Giai đoạn 2016 - 2020 huyện Mường Khương phấn đấu mỗi năm sẽ đào tạo, dạy nghề cho 400 lao động nông thôn; trong đó chú trọng nhu cầu học nghề của người lao động, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Nguyễn Chí Sử, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết: Nhiều học viên sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư và áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất để tạo thu nhập ổn định hơn. Sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cùng với việc sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư đào tạo... sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng các ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội là một trong những bước đi quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững ở Mường Khương.