Phiên thảo luận được đông đảo cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cử tri tại các tỉnh Lai Châu, Quảng Ninh, Phú Yên và An Giang.
Mong muốn Quốc hội sớm phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bà Hà Thị Liên, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lai Châu cho rằng, những năm qua, chương trình giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống. Đối với tỉnh Lai Châu, những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đã kịp thời giúp người dân cải thiện cuộc sống; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thủy lợi, nước hợp vệ sinh được đầu tư xây dựng đồng bộ. Trong giáo dục, chế độ dinh dưỡng khẩu phần ăn của học sinh được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; người dân từng bước bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi...
Bà Hà Thị Liên mong muốn giai đoạn 2021 - 2025, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến những địa phương miền núi, biên giới, trong đó có tỉnh Lai Châu; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế, nhất là chính sách đầu tư về hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trường học, trạm y tế, văn hóa, giáo dục; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên tuyền bằng nhiều hình thức để những hộ nghèo thay đổi tư duy và vươn lên thoát nghèo.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo ông Hoàng Phi Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pha Mu, huyện Than Uyên (Lai Châu), xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Bộ mặt, diện mạo nông thôn ở các địa phương ngày càng khởi sắc. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong cả nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng.
Tuy nhiên, giai đoạn qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành Chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy tối đa...
Ông Hoàng Phi Hùng nêu kiến nghị, đề xuất với Trung ương là: Cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, thường xuyên và liên tục; tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Mặt khác, Chính phủ tập trung rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, nguồn vốn để khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã. Chính phủ cần rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư…
Các chính sách cần sát thực tiễn
Nhà nước cần khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách giảm nghèo sát thực tế, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nghèo thực chất hơn, là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri rất quan tâm.
Ở Quảng Ninh, nhờ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong nhiều năm qua, diện mạo nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc, thay đổi theo hướng đô thị ngày càng rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 0,23%. Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu “Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Cử tri Trần Việt Dũng (Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) đánh giá, thực tế các sản phẩm hàng hóa ở vùng nông thôn chưa nhiều, chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ; chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ; lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, rủi ro còn cao. Trong khi đó, việc ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ ở diện hẹp trên một số sản phẩm và rất hạn chế.
Do vậy, để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, giảm nghèo bền vững, ông Trần Việt Dũng kiến nghị Quốc hội cần đẩy nhanh việc sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản Luật có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn được thuận lợi, nhất là cần có chính sách thông thoáng trong việc sử dụng đất đai đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Đặc biệt, cần có chính sách thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hay dự án công nghiệp chế biến hàng nông sản, qua đó mới thúc đẩy thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo cơ chế thúc đẩy liên kết giữa nông dân có đất với doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất lớn ứng dụng công nghệ cao, tạo thành chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất; chính sách hợp tác, liên kết giữa các ngành sản xuất, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, với nhà khoa học, nhằm xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên có tính đột phá để tăng cường hợp tác, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo mục tiêu đã định.
Cử tri Bùi Văn Lưu (Phó Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, Quảng Ninh) cho rằng, để triển khai hiệu quả hai Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, cần thực hiện phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào; coi đây là mũi đột phá trong phát triển kinh tế ở các địa phương nghèo, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Bùi Văn Lưu kiến nghị Trung ương xem xét hạn chế việc hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo, để tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại mà thay vào đó nên hỗ trợ chung cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn bằng những chương trình tổng thể như giao thông kết nối vùng, liên thông đồng bộ, nhằm giảm khoảng cách giữa các vùng.
Theo cử tri Lưu, để giảm nghèo bền vững, cần thực hiện giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính. Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể để nhân dân tiếp cận được nguồn vốn vay, tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ lãi suất tiền vay phát triển sản xuất, phát triển trang trại, gia trại, hỗ trợ nhân rộng mô hình; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, duy trì ổn định thị trường. Việc hỗ trợ đồng bào ngoài vốn vay, cần có nghiên cứu và định hướng phát triển theo vùng (trồng, nuôi phù hợp với từng vùng...) đi đôi với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tránh được mùa mất giá... cải tiến mẫu mã sản phẩm và thực hiện có hiệu quả gắn với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).
Tập trung nguồn lực cho giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Qua theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội khóa XV tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, cử tri tỉnh Phú Yên bày tỏ sự đồng thuận và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, cần ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Cử tri Võ Văn Binh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho rằng, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những hạn chế và nêu ra được nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Từ thực tiễn của tỉnh Phú Yên, cử tri Võ Văn Binh kiến nghị: Quốc hội và Chính phủ tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo bền vững, bởi cơ cấu phân bổ vốn cho từng hợp phần của chương trình giảm nghèo bền vững chưa phù hợp. Cụ thể như kinh phí bố trí cho hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ chiếm 16,3% so với tổng kinh phí thực hiện chương trình. Trong khi đó, đây là hợp phần quan trọng, chủ lực để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, cần gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đây là hai chương trình riêng biệt nhưng có mục tiêu chung là nâng cao đời sống người dân, cải thiện điều kiện sống về vật chất và tinh thần. Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới có 5 tiêu chí của Chương trình giảm nghèo (giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ lao động có việc làm; hỗ trợ nhà ở cho người dân, nhất là hộ nghèo; nâng cao tỷ lệ hộ dân được đào tạo nghề và bình đẳng giới). Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng bãi ngang ven biển đã góp phần rất lớn cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Nhờ làm tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đến cuối năm 2020, tỉnh Phú Yên chỉ còn 2,54% hộ nghèo (năm 2016 là 12,62 %). Hai huyện Sông Hinh và Đồng Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a 2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Cử tri Hồ Văn Nhân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Yên đề xuất: Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới sẽ có tính khả thi hơn nếu Trung ương có cơ chế trao quyền cho các địa phương xây dựng nội dung tiêu chí. Điều này giúp cho việc triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế.
Các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển - hải đảo như tỉnh Phú Yên cần được tăng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh nên có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn du lịch sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà vẫn giữ được bản sắc, cảnh quan, môi trường ở vùng nông thôn, miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ hiệu quả hơn khi đan xen với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên phấn đấu có 80% số xã (66 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 40% số xã (26 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã (7 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Cần có “nhạc trưởng” chung cho các Chương trình mục tiêu quốc gia
Qua theo dõi phiên thảo luận, cử tri Nguyễn Văn Tám ở xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang rất đồng tình với phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại buổi thảo luận của các thành viên Chính phủ. Phiên thảo luận diễn ra khá sôi nổi, mang tính xây dựng cao. Tuy nhiên, phát biểu thảo luận tại hội trường của một số đại biểu Quốc hội vẫn còn dài dòng, mang tính khái quát lại các mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia, không đi thẳng vào những vấn đề chính cần đóng góp, hết thời gian phát biểu mà vẫn chưa chuyển tải hết các ý kiến.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cử tri Nguyễn Văn Tám cho rằng, Chương trình này còn có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn, chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư, từ đó dẫn đến hiện tượng đầu tư manh mún, dàn trải và không đạt được mục tiêu đề ra.
Theo cử tri Nguyễn Văn Tám, Chính phủ cần có một Ban chỉ đạo chung cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới để có thể lồng ghép, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư cũng như thống nhất trong chỉ đạo, điều hành từ Trung ương xuống tận xã, phường, thị trấn.
Thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cử tri Nguyễn Văn Tám cho rằng, thời gian qua, chương trình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, làm thay đổi dần diện mạo nông thôn và đời sống người dân.
Cùng quan điểm này, cử tri Phạm Vũ Khanh, ở xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới cần chú trọng đến sinh kế, phát triển văn hóa, thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân.
Cử tri Phạm Vũ Khanh dẫn chứng, thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới quá chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trụ sở UBND các xã, thị trấn… trong khi chất lượng quy hoạch nông thôn mới cấp xã, kể cả cấp huyện, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Quy hoạch xã nông thôn mới chưa gắn với tốc độ đô thị hóa, các tiêu chí khác như môi trường, đời sống văn hóa, việc làm, thu nhập của người dân ít được quan tâm.
“Vừa mới vận động người dân hiến đất làm đường giao thông để xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm sau lại tiếp tục mở rộng tuyến đường để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, cổng, hàng rào cây xanh... của người dân mới xây dựng, mới trồng xanh tốt lại phải phá bỏ… như vậy vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, gây mất lòng tin trong nhân dân”, cử tri Phạm Vũ Khanh bày tỏ quan điểm.
Theo cử tri Phạm Vũ Khanh, người dân được xem là trung tâm, chủ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên chưa được thụ hưởng nhiều từ thành quả của chương trình này, sản phẩm nông nghiệp làm ra vẫn bấp bênh về giá và đầu ra. Các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập để đạt tiêu chí nhưng hầu như không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả… Do đó, ông Khanh mong muốn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới cần tập trung hướng về người nông dân, giúp họ tổ chức sản xuất để gắn bó và có thể làm giàu ngay trên chính đồng ruộng của mình, không phải bỏ quê lên thành phố làm công nhân...