Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết: Ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019, xã tiến hành ngay các giải pháp để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên và xác định các giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân tham gia, đóng góp nguồn lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; chỉnh trang nhà cửa cải tạo vườn tạp; xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, làm hầm bể biogas, vệ sinh đường làng ngõ xóm…
Xã cũng đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; kịp thời phát hiện những mô hình, cách làm hay để nhân rộng trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao để người dân học tập và làm theo… Nhờ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đã huy động được sự tham gia đóng góp của toàn thể nhân dân và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Huấn, Trưởng thôn 7 - thôn điển hình trong trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Thái Bình, cho biết: Thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể nhân dân trong thôn; vận động bà con đóng góp làm đường bê tông, làm đường điện thắp sáng đường quê, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng… nâng cao các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, trồng và chăm sóc rừng để nâng cao thu nhập. Đến nay, thôn đã hoàn thiện được 4,3km đường điện thắp sáng đường quê; trên 85% đường thôn và gần 100% kênh mương nội đồng đã được bê tông hóa… qua đó tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân trong thôn đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thôn 7 có 166 hộ dân, đến nay không còn hộ nghèo…
Bà Phạm Thị Mai, thôn 7, xã Thái Bình, cho biết: Người dân chúng tôi đều thấy được những đổi thay khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, khi được cán bộ thôn, cán bộ xã vận động tiếp tục đóng góp xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân trong thôn đều rất đồng thuận. Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, diện mạo thôn, xã thay đổi rất nhiều, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp; cơ sở vật chất như trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng khang trang; cảnh quan môi trường được cải thiện… Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Ông Nguyễn Đình Chung, thôn 7, xã Thái Bình, chia sẻ: "Gia đình tôi hiện có 10 ha rừng keo, nuôi 2 ao cá và 3 con trâu. Trước đây, khi chưa có đường bê tông, việc đi lại khó khăn nên các sản phẩm làm ra đều bị thương lái ép giá, giá bán không được cao. Nhưng bây giờ thì khác rồi, từ khi thôn có đường bê tông nông thôn, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Hàng hóa được bán đúng giá thị trường nên thu nhập của gia đình tôi cũng tăng lên. Hai năm trở lại đây, mỗi năm từ trồng rừng và chăn nuôi, gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng. Đây là động lực để gia đình tôi tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, phấn đấu làm giàu trên quê hương..."
Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, Thái Bình đã trở thành một trong hai xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về Thái Bình những ngày này, sự đổi thay hiện rõ: Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; 100% đường trục xã, gần 80% đường trục thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 95% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đạt 49,3 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2019); 97% hộ dân đạt gia đình văn hóa; xã không còn hộ nghèo; 100% người trong độ tuổi lao động có việc làm…
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết: Để thực hiện được mục tiêu, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của bản thân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong quá trình thực hiện các tiêu chí. Đồng thời, xã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, lấy dân làm gốc, dựa vào dân, thực hiện “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tư tưởng lệch lạc, tạo niềm tin cho nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương… Khi tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua, mục tiêu nào cũng hoàn thành.
Xã Thái Bình có 9 thôn, 1.284 hộ dân và hơn 5.000 nhân khẩu. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong việc xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng như đường giao thông, công trình thủy lợi, công trình nước sạch, sân thể thao tại các thôn bản...; phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bên cạnh đó, xã chú trọng công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách, các mô hình, dự án như: Nuôi trâu vỗ béo, nuôi gà, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển đàn ong lấy mật...; vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với việc thực hiện Chương trình sản phẩm OCOP. Xã cũng chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp, bố trí nơi ở gọn gàng, ngăn nắp, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, thôn mẫu đường mẫu; phát huy vai trò của các tổ tự quản về vệ sinh môi trường, giữ gìn đường làng ngõ xóm, môi trường xanh - sạch - sáng - đẹp… Xã Thái Bình phấn đấu đến hết năm 2021, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.