Ngày 17/5, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu cung cấp đầy đủ và minh bạch thông tin về Dự án, quá trình sơ tuyển, yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, những thông tin cần thiết về môi trường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Tham dự hội nghị có khoảng 300 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương; Đại sứ quán của một số quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam; các bộ, ngành liên quan; đại diện 13 tỉnh, thành phố có dự án đi qua; các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính và đặc biệt là sự tham gia của khoảng 150 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có 100 nhà đầu tư trong nước và 50 nhà đầu tư quốc tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Theo đại diện Bộ GTVT, mục tiêu của dự án là cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN, WTO và hội nhập quốc tế sâu rộng. Khi dự án được đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu về giảm thiểu ùn tắc và TNGT, phát triển KTXH trong thời kỳ CNH-HĐH và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, thông qua hội nghị, Bộ GTVT mong muốn sẽ cung cấp một cách đầy đủ nhất các thông tin về dự án; quy trình sơ tuyển; các yêu cầu năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư cũng như giải đáp các câu hỏi của nhà đầu tư quan tâm, trên tinh thần chia sẻ thông tin một cách công khai, minh bạch...
"Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của toàn bộ 11 dự án và đang gấp rút triển khai công tác thiết kế kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, thể hiện tinh thần làm việc tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành Trung ương, địa phương có tuyến đường đi qua", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyên Nhật nói.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, bên cạnh việc công khai minh bạch toàn bộ thông tin liên quan đến dự án, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền bình đẳng như nhau, có thể tham gia đầu tư dự án nếu có đủ năng lực và kinh nghiệm.
Dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc – Nam là hơn 45 triệu hành khách/năm và hơn 62 triệu tấn hàng hóa/năm. Nếu không có tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc –Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,9 triệu hành khách/năm và khoảng 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 thực hiện trong nhiệm kỳ này.
Giai đoạn 2017-2020, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được phê duyệt 11 dự án đường bộ cao tốc trên tuyến. Trong đó, có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách 100% và 8 dự án sử dụng vốn ngân sách cùng với vốn của nhà đầu tư phối hợp theo hình thức PPP. Đáng lưu ý, trong 8 dự án PPP, toàn bộ hạng mục giải phóng mặt bằng sử dụng ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ đầu tư một phần trong xây lắp đối với 8 dự án PPP.
Trước đó, chỉ đạo tại hội nghị “Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đây là tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, không chỉ tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có dự án đi qua mà còn cho các vùng kinh tế trọng điểm, đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển và đi lại thuận tiện của người dân và doanh nghiệp.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 654km với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, từ tháng 4 đến cuối năm 2019, đến năm 2020 mặc bằng sạch sẽ được bàn giao cho nhà đầu tư. Dự kiến kinh phí bố trí giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hơn 14.000 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2019, 13 tỉnh sẽ được chuyển số tiền 7.000 tỷ để chi trả đền bù, tái định cư cho người dân.
Dự kiến, tháng 6 tới đây sẽ tổ chức khởi công đối với 3 dự án thành phần tuyến cao tốc phía Đông và từ tháng 9 đến tháng 12 sẽ đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP để chọn nhà đầu tư. Đến năm 2021 sẽ thông xe 654 km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đúng kế hoạch.