Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để đảm bảo tiến độ của dự án cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2020 và đưa vào sử dụng năm 2021, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn triển khai thực hiện đầu tư dự án, nhất là việc giải phóng mặt bằng có vai trò quyết định thành công của dự án.
Đối với 13 địa phương có dự án đi qua, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích và lợi ích của dự án. Qua đó, tạo sự đồng tình cao của xã hội, sớm giao mặt bằng để triển khai dự án. Đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực triển khai dự án, tích cực bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư và hỗ trợ họ nguồn vật liệu tại địa phương phục vụ thi công dự án…
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải làm đầu mối dự án, chịu trách nhiệm kiểm tra các chủ dự án thành phần, các Ban quản lý địa phương, cung cấp đầy đủ tài liệu kỹ thuật cắm mốc mặt bằng, lộ giới nhằm giúp địa phương chủ động triển khai giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương phê duyệt và công khai phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để nhân dân được biết, nhất là giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đây là tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, không chỉ tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có dự án đi qua mà còn cho các vùng kinh tế trọng điểm, đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển và đi lại thuận tiện của người dân và doanh nghiệp.
Dự án trọng điểm quốc gia này gồm 11 dự án đường bộ cao tốc trên tuyến; trong đó, có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và số còn lại đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, với tổng chiều dài 654km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tính đến 31/10/2018, Bộ đã hoàn thành phê duyệt tất cả 11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vàcông tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới các dự án dự kiến hoàn thành cuối quý I, đầu quý II năm 2019.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các dự án; 3 dự án đầu tư công thuộc các đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đã lựa chọn xong nhà thầu tư vấn. Với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, Bộ đã phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu và các gói thầu, dự án về cơ bản đánh giá xong đề xuất kỹ thuật.
Đến nay, có 10/11 dự án đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng hoặc giao nhiệm vụ cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Riêng dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trên cơ sở kiện toàn lại Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để thực hiện dự án theo đúng quy định.