Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung nguồn lực để tạo bứt phá trong các nội dung như: hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; nâng cao chất lượng đô thị, sản xuất vật liệu xây dựng...
Đặc biệt, Phó Thủ tướng mong muốn ngành xây dựng tạo bứt phá trong phát triển nhà ở xã hội, chăm lo nhà ở cho người nghèo... bởi nhu cầu phân khúc này vẫn quá cao mà khả năng đáp ứng chậm và ít. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần phối hợp cùng các bộ ngành liên quan có giải pháp về xử lý tro xỉ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu. Đây là vấn đề rất lớn, cần có kế hoạch bởi còn liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và môi trường.
"Đầu tư cho nhiệt điện than rẻ nhưng nếu không giải quyết được vấn đề phế thải bằng công nghệ để đem tái chế hoặc biện pháp chống ô nhiễm môi trường thì sẽ khó phát triển loại hình năng lượng này", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng tập trung vào các nội dung cải cách thể chế và công cụ quản lý theo chuyên ngành thông qua việc hoạt thiện hệ thống luật và căn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Cùng đó, tăng cường quản lý, phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế. Bộ Xây dựng cần bàn về giải pháp pháp giảm mật độ dân số nội đô, đồng thời giảm chiều cao; rà soát các chương trình phát triển đô thị, nhà ở với kế hoạch trung hạn, dài hạn rõ ràng để căn cứ cấp phép các dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2%. Trong số 16 chỉ tiêu của năm 2018, có 3 chỉ tiêu vượt, 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là chỉ tiêu về kính xây dựng (265/320 triệu m2) và gạch ốp lát (705/770 triệu m2).
Toàn ngành thực hiện bãi bỏ hơn 41% thủ tục hành chính. Điểm nhấn trong kết quả công tác của Bộ Xây dựng là công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, thẩm tra thiết kế dự toán, cấp phép xây dựng.
Cụ thể, Bộ đã hoàn thành 3 dự án Luật gồm Luật Kiến trúc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ngành xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 5 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó, bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bộ cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng bày tỏ quyết tâm của ngành xây dựng và đưa ra các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2019.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, ngành xây dựng kiên quyết năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Vụ Kế hoạch tài chính chủ trì dự thảo trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2019; Nghị quyết 02 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 03 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2019.
"Chủ trương của Bộ Xây dựng là tạo bức phá một cách cụ thể, định lượng được rõ người, rõ việc, rõ tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành công việc.", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kết./.