Đại biểu Quốc hội băn khoăn phương án bố trí vốn cho dự án cao tốc Bắc Nam

Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án cao tốc Bắc Nam tuyến phía Đông. Các đại biểu băn khoăn về phương án đầu tư với tổng số vốn dự kiến của dự án là hơn 118.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo thẩm tra dự án của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng Quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55.000 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Bắc Nam và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác. Chính phủ dự kiến sẽ huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho dự án là khoảng 63.716 tỷ đồng.

Trong bối cảnh việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế cung cấp các bảo lãnh, các đại biểu lo lắng việc huy động vốn vay chủ yếu từ các tổ chức tín dụng trong nước có thể tiềm ẩn rủi ro cho dự án.

Đại biểu Phạm Quang Dũng góp ý cho dự án.

Theo đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định), ít doanh nghiệp Việt Nam nào có đủ năng lực, đủ vốn để tham gia dự án lớn 6.000 – 10.000 tỷ đồng, trong khi đó mức lợi nhuận trên vốn sở hữu chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Đây là vấn đề lớn.

"Các nhà đầu tư nước ngoài khi đàm phán với Bộ Giao thông - Vận tải luôn đưa ra các tiêu chí: giải phóng mặt bằng, lợi nhuận 18% trên vốn chủ sở hữu, được bảo lãnh tín dụng và doanh thu. Khó nhất là bão lãnh tín dụng và bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Những vấn đề này được giải quyết thì phương án mới có thể khả thi", ông Dũng cho hay.

Theo đại biểu này, phương án định giá khung giá thu là không hợp lý, cần theo nguyên tắc thị trường, phải do cung cầu. "Cao tốc đi tuyến riêng, không chung chạm. Ai không đi thì đi đường cũ. Nhà đầu tư có quyền định giá thu, nếu định giá cao quá hay thấp quá thì đều thất thu. Để nhà đầu tư định giá là hợp lý nhất", đại biểu đề nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đồng tình với việc cần sớm có chủ trương xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vì dự án hoàn thành sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược trong nhiệm vụ kinh tế - chính trị xã hội.

Về phương án đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là hơn 118 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ xây dựng trước hơn 700 km, chia thành 11 dự án thành phần với các hình thức đầu tư khác nhau. Theo đại biểu Ngân, quy định như vậy là khả thi với tình hình nguồn vốn có hạn như hiện nay.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án BOT đã phát sinh nhược điểm, gặp phải sự phản đối của người sử dụng. Bộ Giao thông - Vận tải cần báo cáo Quốc hội những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua để khắc phục.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề, ai sẽ là người đứng ra vay tiền? “Nếu nhà đầu tư tư nhân vay số tiền này, lấy dự án làm tài sản đảm bảo nợ vay, trong khi dự án này có vốn của nhà nước, vậy nhà đầu tư có thể thế chấp dự án được không? Do đó, cần có chính sách tài trợ cho một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước lớn đứng ra thống nhất gói tài trợ, đảm bảo gói vay được triển khai đúng tiến độ và lãi suất đảm bảo được mặt bằng chung”, đại biểu Ngân kiến nghị.

Bên cạnh việc bố trí vốn cho dự án, một số vấn đề khác cũng được các đại biểu kiến nghị như cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 6 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Quang Ngọc (trái) đóng góp ý kiến

Theo đại biểu Nguyễn Quang Ngọc (Nam Định), giải phóng mặt bằng nền đường đã có nhiều bài học. Đường hẹp, một thời gian sau lại mất công giải phóng gây tốn kém. Như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giải phóng mặt bằng đủ rộng cho 10 làn xe, dù nay mới có 6 làn. Sau này có mở rộng đường ra thì không cần phải giải phóng mặt bằng thêm nữa.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) cho biết: "Chúng ta phải có tầm nhìn chính xác để không lạc hậu sau 20, 30 năm nữa. Như cầu Mỹ Thuận nếu ta đầu tư có tầm nhìn thêm 3 làn xe thì giờ không phải làm thêm".

Ông Mẫn nhấn mạnh quan điểm phải đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm. Có tuyến đường chờ xe nhưng có tuyến xe phải chờ đường. Đại biểu đề nghị chú ý đến chất lượng. "Vừa qua, chúng ta đầu tư 1 km đường tốn kém lớn nhưng chất lượng chưa đảm bảo", ông Mẫn nói.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Thể dục, Thể thao (sửa đổi).

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Đại biểu Quốc hội nghi ngờ có sự tiếp tay cho nạn phá rừng
Đại biểu Quốc hội nghi ngờ có sự tiếp tay cho nạn phá rừng

Tình trạng phá rừng diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương, quy mô lớn trong khi việc xử lý rất hạn chế... là lý do khiến các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề liệu có tình trạng tiếp tay cho nạn phá rừng hay không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN