Cơ chế đấu thầu minh bạch Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/3/2018, cao tốc Bắc - Nam sẽ được Bộ GTVT triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua Tân An (Long An), một phần của cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Theo đó, Bộ GTVT có trách nhiệm lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán sát theo các quy định đã có và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, do dự án đấu thầu quốc tế, nên Chính phủ cũng thành lập tổ công tác liên Bộ: Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, địa phương nơi dự án đi qua, với mục đích đảm bảo sự minh bạch.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT), đây là cơ chế hoàn toàn mới so với quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của các dự án BOT trước đây. Nếu trước đây, các quy định của pháp luật cho phép dự án BOT được tiến hành đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi, thì Nghị quyết 20/CP nêu rõ, các dự án sau khi được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở tính toán phương án tài chính, mới tiến hành đấu thầu.
Bên cạnh đó, đối với các dự án sau khi trúng thầu, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ có quyền thay đổi, điều chỉnh thiết kế, biện pháp thi công, áp dụng công nghệ mới, chấp nhận “lãi ăn lỗ chịu” trên cở sở đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình được phê duyệt. Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ tuyển để loại bỏ nhà đầu tư yếu kém, sau đó mới tổ chức đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhằm lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng năng lực thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đại diện các Ban quản lý dự án, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Tập đoàn CIENCO4… đều cho rằng, dự án cao tốc Bắc – Nam là công trình đặc biệt trọng điểm của quốc gia, Quốc hội, Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ, các nhà đầu tư được lựa chọn phải phối hợp với địa phương thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng ngay khi được giao dự án, đảm bảo các phương án đền bù một lần, nhằm hạn chế tình trạng giải phóng mặt bằng kéo dài, đội vốn. Do vậy, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào cuộc ngay từ giai đoạn đầu để xác định rõ cơ sở pháp lý về quy trình thủ tục, giá trị dự toán, tổng mức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi triển khai, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật.
“Hết cửa” cho nhà đầu tư yếu làm cao tốc Bắc - NamNghị quyết 20/CP cũng nêu rõ, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại các dự án cao tốc Bắc - Nam được nâng cao hơn so với quy định 5 - 10% tại Nghị định 15/CP/2015, tức là phải đạt 20% trên tổng vốn dự án. Điều này sẽ loại được các nhà đầu tư yếu năng lực tài chính tham gia.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, một phần của cao tốc Bắc Nam đã hoàn thành. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án quy định: “Nhà đầu tư sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu, bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực”.
Về vấn đề này, ông Huy cho rằng: Việc tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư theo Nghị quyết 20/CP của Chính phủ là rất cần thiết. Các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Việc nâng tỷ lệ vốn tối thiểu lên 20% sẽ đảm bảo cho dự án lựa chọn được những nhà đầu tư đáp ứng đủ năng lực tài chính, đồng thời loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém.
Thêm vào đó, việc này còn tránh được tình trạng các nhà đầu tư sau khi nhận dự án không huy động được vốn tín dụng, khiến công trình bị chậm tiến độ như đối với các dự án BOT trước đây; đồng thời buộc các nhà đầu tư phải làm việc trước với các tổ chức tín dụng, đàm phán ký hợp đồng, nhằm đảm bảo các dự án cao tốc Bắc - Nam hoàn thành đồng bộ vào năm 2021.
Ở góc độ nhà đầu tư, theo ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, quy định nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên tối thiểu 20% tổng mức đầu tư là phù hợp. Vì khi tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu chắc chắn công tác huy động vốn tín dụng cho dự án từ các ngân hàng thương mại sẽ dễ dàng hơn. Bởi, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lớn, đồng nghĩa vốn tín dụng cho dự án sẽ giảm xuống. Khi đó, việc trả nợ của nhà đầu tư cho ngân hàng sẽ dễ dàng hơn, quy định này sẽ hấp dẫn các tổ chức tín dụng để thu xếp cho nhà đầu tư vay vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam.
Bộ GTVT hiện đã công bố danh mục dự án xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, 8 dự án được đầu tư theo hình đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 40.362 tỷ đồng), gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai. Qua tìm hiểu, mỗi dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng, tính ra vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại mỗi dự án khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng.
Box: “Đây là tuyến đường cao tốc trọng điểm của quốc gia. Chủ đầu tư, Ban qản lý dự án nào làm có uy tín với Bộ GTVT qua những công trình trọng điểm từng triển khai hiệu quả trên QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, thể hiện được năng lực điều hành tốt, sẽ được Bộ GTVT ưu tiên giao nhiệm vụ tại các dự án cao tốc Bắc - Nam”, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.