Tìm vốn cho cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các bộ, ngành và địa phương liên quan khẳng định, việc đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông Hà Nội - TP Hồ Chí Minh hiện nay là cấp thiết, vì hiệu quả kinh tế xã hội mang lại khi hoàn thành đưa vào khai thác. Tuy nhiên, nguồn vốn cần huy động khoảng 230.000 tỷ đồng để làm tuyến đường này đang cần tìm lời giải.

Tăng năng lực vận tải cho tuyến đường huyết mạch

Theo Bộ GTVT, hiện nay tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã có 4 dự án cao tốc đưa vào khai thác dài 171 km gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Bốn dự án cao tốc khác dài 299 km đang triển khai xây dựng, gồm: La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và Trung Lương - Mỹ Thuận. Như vậy, để thông tuyến cao tốc này, với quy mô 4 làn xe, cần tiếp tục hoàn thành 1.372 km nữa. Đề án thông toàn tuyến cao tốc này đến năm 2020 để kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, tạo khả năng liên kết với các phương thức vận tải khác, cũng như hỗ trợ vận tải quốc lộ (QL)1 đang được Bộ GTVT trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tạo động lực phát triển kinh tế các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Thực tế, để đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ, từng bước giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên trục Bắc - Nam, Chính phủ đã hoàn thành mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ lên 4 làn xe vào năm 2015. Tuy nhiên, do đặc thù giao thông ở Việt Nam là giao thông hỗn hợp, xe máy vẫn chiếm tỷ lệ cao, gây mất an toàn giao thông, phương tiện di chuyển tốc độ thấp, cộng với sự gia tăng ngày càng nhanh của các loại phương tiện, khiến áp lực giao thông lên QL1 ngày càng lớn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phục vụ giao thương, kết nối vận tải liên vùng, liên vận quốc tế đang còn nhiều bất cập, hạn chế so với nhu cầu của quốc gia và khu vực.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 19 tỉnh, thành phố nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam đi qua chiếm tỷ trọng tới 2/3 GDP của cả nước. Do vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này không đơn thuần chỉ giải quyết về mặt giao thông, mà còn tạo động lực lớn để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; đồng thời sẽ giải quyết được những tồn tại trên tuyến QL1 do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là các đoạn qua khu vực miền Trung khi bị ngập lụt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Chiến lược của Bộ đến năm 2020 và sau năm 2020 vẫn tập trung phát triển giao thông đường bộ, nhất là phát triển hệ thống đường cao tốc. Mục tiêu hoàn thành hơn 2.000 km đường cao tốc vào năm 2020 hiện đã có khoảng trên 700 km, còn thiếu hơn 1.300 km nữa. Dù có rất nhiều tuyến đường, nhưng sau khi xem xét lại, Bộ GTVT vẫn thấy cấp thiết phải tập trung vào hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vì đây là tuyến huyết mạch của quốc gia. Nếu không đầu tư từ bây giờ thì sẽ khó khăn cho 5 năm sau, bởi vì QL1 với tốc độ khai thác như hiện nay sẽ hư hỏng bởi lưu lượng giao thông quá cao, lượng xe quá tải lớn…

Huy động vốn bằng cơ chế đặc thù

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu vốn cần huy động cho dự án khoảng 230.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, Bộ GTVT dự kiến vốn nhà đầu tư huy động chiếm 59,3%, vốn Nhà nước tham gia đầu tư chiếm 40,7%. Về phương án huy động vốn Nhà nước, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hoặc huy động vốn ODA đầu tư như là phần vốn góp để đầu tư. Nguồn vốn Nhà nước được ưu tiên để lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, tư vấn giám sát và hỗ trợ kinh phí xây dựng. Đối với việc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bộ GTVT đề xuất tạo cơ chế đặc thù, nhằm đảm bảo mức lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được coi là tuyến đường tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế phía Nam. Ảnh: Bộ GTVT



Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, vấn đề quan ngại nhất là việc huy động nguồn vốn tư nhân 59,3%, tương đương trên 136.000 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án. Nguồn vốn này nếu chỉ huy động từ nguồn lực trong nước sẽ rất khó khăn. Do đó, rất cần nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay lo ngại về rủi ro pháp lý của Việt Nam khi liên quan đến đầu tư tài chính và tính minh bạch trong cơ chế thu phí hoàn vốn.

20 dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam sẽ được ưu tiên, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (16km), Mai Sơn - QL45 (63km), QL45 - Nghi Sơn (43km), Nghi Sơn - Diễn Châu (50km), Diễn Châu - Bãi Vọt (50km), Bãi Vọt - Hàm Nghi (34km), Hàm Nghi - Vũng Áng (54km), Vũng Áng - Bùng (60km), Bùng - Vạn Ninh (55km), Vạn Ninh - Cam Lộ (71km), Cam Lộ - La Sơn (102km), La Sơn - Túy Loan (66km), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (92km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (78km), Quy Nhơn - Tuy Hòa (100km), Tuy Hòa - Nha Trang (115km), Nha Trang - TP Phan Rang và Tháp Chàm (80km), TP Phan Rang và Tháp Chàm - Bắc Bình (70km), Bắc Bình - Phan Thiết (76km), Phan Thiết - Dầu Giây (98km).

Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết: Các nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng quốc tế khi được Bộ GTVT đặt vấn đề đầu tư đều lo ngại rủi ro về chính sách; đồng thời đều yêu cầu bảo lãnh về doanh thu, tỷ giá, trong khi chúng ta chưa thể đáp ứng được. Vì vậy, Bộ GTVT đã đề xuất với Chính phủ cơ chế khơi thông nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) Nguyễn Văn Tỉnh, chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dẫn chứng: Khi triển khai dự án, Nhà nước cam kết hỗ trợ 39% vốn, trong đó hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 23%. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư vẫn không nhận được đồng nào, nhất là vốn giải phóng mặt bằng. Do vậy, khi đàm phán chuyển nhượng dự án với nhà đầu tư Ấn Độ, với số vốn lên tới 2 tỷ USD, họ đã dừng đàm phán ngay lập tức. Nếu thiếu nguồn lực, nhà đầu tư rất dễ bị phá sản.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay: Việc đầu tư dự án phải tránh dàn trải và có sự chia sẻ của các địa phương, đoạn nào có nhu cầu lớn thì làm trước. Các cơ chế chính sách cụ thể sẽ được Bộ GTVT xây dựng và đề xuất khi được Quốc hội thông qua. Quan điểm của Bộ là tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng của tuyến cao tốc thành hai dự án riêng để đảm bảo tính khả thi. Chỉ khi công tác giải phóng mặt bằng quyết liệt, nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, thì dự án mới đảm bảo tiến độ.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM): Dự án cần đảm bảo khả thi về vốn

Chủ trương đầu tư dự án theo hình thức PPP là đúng đắn. Tuy nhiên, muốn thành công, Nhà nước phải có nguồn lực hỗ trợ để dự án đảm bảo khả thi về vốn. Vì nếu nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước không đảm bảo sẽ dẫn tới việc nhà đầu tư không thu hồi được vốn hoặc thời gian hoàn vốn kéo dài 30 - 40 năm, thì chẳng doanh nghiệp nào dám bỏ tiền đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án cần đấu thầu minh bạch và công khai các thông tin. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án cần có những cơ chế đặc thù, tỉnh nào tích cực thì ưu tiên triển khai đầu tư trước để các địa phương khác phải nỗ lực hơn.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Phân kỳ đầu tư theo khả năng thực tế

Vấn đề bây giờ là phân kỳ đầu tư theo khả năng thực tế, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm và đầu tư đúng hướng thì hoàn toàn có thể làm được. Trong thời gian qua, chúng ta đầu tư phân tán, nhiều nhà máy “đắp chiếu”, nhiều nhà máy đang xây dở thì dừng, nhiều công trình dở dang, hiệu quả không cao… nguyên nhân cũng do xác định việc đầu tư. Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm cần phải làm, tập trung đầu tư và bố trí nguồn vốn để thực hiện. Chính phủ có thể huy động vốn từ các nguồn khác nhau như: từ nhân dân, trích tích lũy ngân sách… Khi cân đối được thì nên làm ngay.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Phương Thành Tranconsin Phạm Văn Khôi: Công khai, minh bạch năng lực của các doanh nghiệp đầu tư

Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dự án, quan trọng nhất là Nhà nước phải đảm bảo ổn định các cơ chế chính sách để các nhà đầu tư yên tâm tham gia. Trong quá trình đấu thầu dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải đảm bảo công khai, minh bạch năng lực của các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Các dự án có tổng mức đầu tư lớn, cùng nằm trên một tuyến, chỉ cần một nhà đầu tư yếu, không đủ năng lực sẽ dẫn tới tiến độ hoàn thành chậm, ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ, chất lượng cả dự án.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh: Dự án PPP cần vai trò hỗ trợ vốn của Nhà nước rất lớn

Cách đây hơn 10 năm, ngành GTVT chúng ta đã đề cập đến việc đầu tư đường cao tốc theo hình thức PPP. Tuy nhiên, đến nay dù đã có gần 750 km đường cao tốc, nhưng thực sự vẫn chưa có tuyến cao tốc nào được đầu tư tổng thể theo hình thức PPP. Các dự án đầu tư theo hình thức PPP, nhất là đường bộ cao tốc cần nguồn vốn rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài hàng chục năm. Do đó, vai trò hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng, nếu không rất khó thu hút vốn. Các nhà đầu tư khi tham gia, họ rất cần sự minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư dự án.



Đăng Sơn - Hữu Vinh
Cao tốc TP.HCM-Trung Lương sắp có trạm dừng nghỉ đầu tiên
Cao tốc TP.HCM-Trung Lương sắp có trạm dừng nghỉ đầu tiên

Dự kiến, trạm dừng chân trên cao tốc này sẽ gấp rút được xây dựng và phấn đấu đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016, kịp phục vụ dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN