Thừa Thiên - Huế cấp hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ tàu cá hoạt động

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định trích ngân sách 10 tỷ 275 triệu đồng từ nguồn bổ sung có mục tiêu cấp cho các huyện Phú Vang, Phú Lộc để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Hạ thủy chiếc tàu vỏ gỗ ở Thừa Thiên - Huế theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Theo đó, huyện Phú Vang được gần 9 tỷ 425 triệu đồng, huyện Phú Lộc được hơn 850 triệu đồng để hỗ trợ mua: nhiên liệu chuyến biển, máy thông tin liên lạc và bảo hiểm. Trước đó, huyện Phú Vang cũng được hỗ trợ hơn 4,2 đồng; huyện Phú Lộc gần 762 triệu đồng để hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển, mua máy thông tin liên lạc và mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương của các xã vùng biển cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp 40 tàu. Tổng dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại gần 182 tỷ đồng (trong đó, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá 177,49 tỷ đồng, cho vay vốn lưu động 4,35 tỷ đồng).

Huyện Phú Vang là địa phương được đánh giá khá tích cực trong triển khai Nghị định 67 của Chính phủ. Toàn huyện hiện có 29 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đóng tàu mới và tàu nâng cấp; trong đó, 21 chủ tàu (2 tàu vỏ thép) đã được ký hợp đồng tín dụng và giải ngân toàn bộ phần vốn ngân hàng cam kết gần 142 tỷ đồng.

Cơ sở đóng tàu thuyền Nguyễn Văn Phong tại thị trấn Thuận An từ đầu năm đến nay đã triển khai đóng mới 3 tàu cá xa bờ cỡ lớn theo chương trình Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Các địa phương trong tỉnh niêm yết công khai điều kiện vay vốn, danh mục hồ sơ cũng như công khai việc thụ lý hồ sơ nhằm rút ngắn thời gian thẩm định cho vay vốn. Ngư dân Trần Hữu Lực, thôn Diên Trường, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết đã đóng mới thêm 1 tàu đánh bắt xa bờ.


Nhìn chung, ngư dân dễ dàng tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP do chính quyền các địa phương trong tỉnh và ngành ngân hàng có sự phối hợp chặt chẽ, đơn giản hóa các thủ tục. Đồng thời, tích cực hướng dẫn ngư dân điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá xa bờ, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn, vươn khơi bám biển...

Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt gần 19.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 5.393 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái...

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)
Tàu cá vỏ thép nhanh hỏng: Cơ quan đăng kiểm phải có trách nhiệm
Tàu cá vỏ thép nhanh hỏng: Cơ quan đăng kiểm phải có trách nhiệm

Liên quan đến sự cố tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, bị hư hỏng khi mới đi vào hoạt động tại tỉnh Bình Định, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định: "Cơ quan đăng kiểm tàu cá phải có trách nhiệm trong vụ việc này".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN