Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Những khó khăn vướng mắc trong triển khai Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau 3 năm triển khai Nghị định 67, đến nay đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu; trong đó đóng mới 1.510 chiếc, đạt 66,11%. Tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động; trong đó, có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Các tàu cá đóng mới này sau mỗi chuyến vươn khơi đều cho hiệu quả cao hơn trước, ngư dân rất phấn khởi.
Tính đến ngày 15/7/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu với số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; đã giải ngân được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với thời điểm 31/12/2016.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện có trên 47% tàu đóng mới là tàu cá vỏ thép và vỏ vật liệu mới, khoảng 50% tàu đóng mới có công suất từ 800 CV trở lên được trang bị hiện đại. Qua đó, tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới. Ngư dân mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế. Nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải. Bên cạnh đó, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế. Công tác giám sát thi công, đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực và yếu về trình độ.
Đáng chú ý, có 40 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Phú Yên và Quảng Nam bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản) sau khi mới đưa vào sử dụng, gây thiệt hại lớn cho ngư dân.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, một số cơ chế chính sách để thực hiện Nghị định 67 chưa đồng bộ, dẫn đến gặp nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện như: chưa quy định vấn đề giám sát chặt chẽ chất lượng việc đóng tàu của các cơ sở đóng tàu để đảm bảo chất lượng, hạn chế sự cố xảy ra khi hoàn thành đưa vào sử dụng; chưa có cơ chế xử lý rủi ro tín dụng khi tàu khai thác trên biển để các ngân hàng thương mại yên tâm trong việc cho vay; vấn đề bảo hiểm tàu thuyền và xử lý bảo hiểm tàu thuyền khi xảy ra tai nạn, sự cố còn bất cập.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách theo Nghị định 67 đến ngư dân có mặt còn hạn chế, nên nhiều ngư dân còn e dè, chưa mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn lớn, kể cả nguồn vốn lưu động đầu tư cho chuyến biển. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đơn vị, chính quyền địa phương và các ngân hàng thương mại có lúc chưa đồng bộ nên việc xét duyệt, thẩm định các thủ tục hồ sơ vay vổn còn kéo dài...
Những đề xuất sửa đổi, bổ sung Các tàu vỏ thép đang chuẩn bị hoàn thiện. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN |
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn khẳng định, Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn cần được khắc phục trong thời gian tới.
Ông Lại Xuân Môn đề nghị, thời gian tới, các ngành chức năng phải tăng cường giám sát quá trình đóng tàu; rà soát quy hoạch lại số lượng tàu cá, gắn với điều tra nguồn lợi thủy sản để vừa đảm bảo được nguồn lợi thủy sản; cần đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đồng bộ; khắc phục những hạn chế về chính sách tín dụng; bảo hiểm tàu cá. Đặc biệt, phải đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc thiết kế, thẩm định, thi công, công tác giám sát, kiểm tra tàu cá của Nhà nước, doanh nghiệp và ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Trung cho biết, kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong Nghị định 67 sửa đổi thời gian tới, ngân sách Trung ương cần ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ các hạng mục bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực).
Đối với chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá, chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư theo hướng: Đóng mới tàu 800CV trở lên với vỏ thép, vỏ vật liệu mới để thay thế tàu có công suất từ 90CV trở lên được giải bản; không làm tăng, đảm bảo ổn định số lượng tàu cá xa bờ, cơ cấu lại nghề khai thác để giảm, chuyển đổi một số nghề không khuyến khích phát triển như lưới kéo.
Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ đối với tàu công suất từ 250CV trở lên; quy định mức hỗ trợ là 70% chi phí bảo hiểm thân tàu và thuyền viên; bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo hướng hỗ trợ một lần sau đầu tư để giảm sự phụ thuộc và tránh rủi ro trong việc cho vay và thu hồi nợ vay của ngân hàng; phối hợp các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, đánh giá lại việc công bố cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu cá, đặc biệt là các cơ sở đóng mới tàu cá vỏ thép. Kiên quyết loại bỏ những cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoặc đóng tàu không đúng với chất lượng cam kết với ngư dân ra khỏi danh sách cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu. Ban hành quy định về định biên, các chức danh làm việc trên tàu cá, đặc biệt là tàu cá vỏ thép.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn kéo dài thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc hướng dẫn cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ đối với một số tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng phải nằm bờ để sửa chữa nhưng đã đến thời hạn trả nợ gốc và lãi vay.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank Việt Nam), Agribank Việt Nam là ngân hàng thương hiện hiện đang chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay đầu tư phục vụ chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Đến nay đã có 554 khách hàng vay vốn; trong đó, có 510 khách hàng vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu (40 khách hàng vay vốn nuôi trồng, chế biến thủy hải sản), với tổng số vốn cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký là 4.605 tỷ, dư nợ hiện tại là 3.883 tỷ đồng.
Bổ sung cho dự thảo Nghị định 67 thời gian tới, Agribank Việt Nam kiến nghị, về điều kiện cấp tín dụng ưu đãi, nên áp dụng các điều kiện được hưởng các chính sách tín ưu đãi tương tự như các điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư.
Cụ thể, chủ tàu phải là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, doanh nghiệp khai thác thủy sản; tàu phải được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) kết nối được với trạm bờ. Không khuyến khích đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo mô hình tổ chức sản xuất cá nhân nhỏ lẻ do chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, năng lực quản lý, vận hành khai thác, năng lực tài chính có nhiều hạn chế, không tạo được tính gắn kết giữa các tàu đánh bắt ở ngoài khơi vì mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đồng thời, duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại Nghị định 67 (11 năm đối với tàu vỏ gỗ hoặc tàu được nâng cấp; 16 năm đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới được đóng mới).