Chiều 5/7, UBND thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng và đại diện đơn vị đóng tàu là Công ty Cổ phần Đại Dương (có trụ sở đóng tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã tổ chức họp kín để tìm phương án hỗ trợ ông Nguyễn Văn Muộn, chủ tàu vỏ thép TH-93968 được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, hạ thủy từ tháng 10/2016 đến tháng 6/2017.
Đây là con tàu vỏ thép có 9 lần ra khơi thì cả 9 lần đều bị hư hỏng, mỗi lần hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa từ 15 - 30 ngày.
Tàu cá vỏ thép công suất lớn được hạ thủy tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN |
Sau buổi họp kín, đại diện UBND thành phố Sầm Sơn đã thông báo với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về kết quả buổi “họp kín” giữa các đơn vị liên quan. Qua buổi làm việc, địa phương đã lắng nghe ý kiến của chủ tàu và cơ sở đóng tàu. Qua quá trình trao đổi, Công ty Cổ phần Đại Dương đã có hỗ trợ chi phí sữa chữa đối với tàu ông Muộn. Đến thời điểm này, các hư hỏng của tàu ông Muộn cơ bản đã được sửa chữa, hiện nay còn hệ thống điện và đèn ba lát chưa đảm bảo.
Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Muộn và đại diện Công ty Cổ phần Đại Dương vẫn chưa đi đến thống nhất phương án hỗ trợ về việc sửa chữa đèn ba lát và hệ thống điện của tàu… UBND thành phố Sầm Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đề nghị chủ tàu và đơn vị đóng tàu cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến quá trình đóng tàu, tổ chức nghiệm thu, bảo hành, vận hành, các hồ sơ có liên quan đến thiết kế, quá trình đóng tàu, tổ chức nghiệm thu, quá trình vận hành…. trước ngày 10/7/2017.
UBND thành phố Sầm Sơn có trách nhiệm gửi toàn bộ hồ sơ về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa để có phương án giải quyết những vấn đề còn tồn đọng chưa đi đến thống nhất tại buổi làm việc này…
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Muộn cho biết: Theo Nghị định 67, gia đình ông được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép với tổng số vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng, công suất 829 CV (trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỷ đồng, còn lại là số vốn từ gia đình). Tuy nhiên hoạt động chưa được một năm, tàu ông Muộn ra khơi 9 lần thì cả 9 lần đều có những hư hỏng như: trục trặc máy phát điện, tời yếu, hầm bảo quản không đảm bảo, hệ thống điện lắp đặt trên tàu không đúng theo khái toán được duyệt và thiết kế khiến xảy ra tình trạng cháy nổ trong quá trình khai thác, tụ bóng, dây bị điện bị chập nổ, dây điện có tiết diện bé, không đúng như mẫu thiết kế...
Liên quan đến vấn đề này, đại diện đơn vị đóng tàu, ông Đỗ Quang Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Dương khẳng định, luôn sát cánh, đồng hành và có trách nhiệm hỗ trợ chủ tàu, kể cả khi tàu ông Muộn đã hết bảo hành nhưng công ty vẫn cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra tình trạng hư hỏng của tàu ông Muộn. Đến nay, công ty đã hỗ trợ chủ tàu với số tiền 366 triệu đồng để sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đến đầu tháng 7/2017, tỉnh Thanh Hóa có 46 tàu khai thác hải sản xa bờ đã đi vào hoạt động gồm 23 tàu vỏ thép, 23 tàu vỏ gỗ.
Tuy nhiên trong quá trình vận hành 18/23 tàu vỏ thép đã gặp phải hư hỏng, trục trặc về máy phát điện, cẩu, tời, hầm bảo quản, gãy tăng gông, khai thác không hiệu quả, trong đó có 4 tàu nằm bờ. Để khắc phục tình trạng trên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã thành lập đoàn công tác phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các địa phương và chủ tàu vỏ thép để kiểm tra, nắm bắt tình hình, tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Ngành nông nghiệp Thanh Hóa cũng đã có công văn gửi các cơ sở đóng tàu, yêu cầu khắc phục những trục trặc của tàu theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu trong thời gian ngắn nhất để đưa tàu vào khai thác đảm bảo an toàn, hiệu quả…