Số lượng tàu đánh bắt xa bờ đã được nâng cấp và hiện đại hóa hơn, hiệu quả sau mỗi chuyến vươn khơi cũng cao hơn so với trước. Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: “Đây là chủ trương lớn đột phá đồng bộ, đúng và trúng với nguyện vọng của ngư dân, nhằm góp phần vào phát triển kinh tế biển, phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng vươn khơi gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu; trong đó đóng mới 1.510 chiếc, đạt 66,11%.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động; trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Các tàu cá đóng mới này sau mỗi chuyến vươn khơi đều cho hiệu quả cao hơn trước, ngư dân rất phấn khởi.
Tính đến ngày 15/7, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu với số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; đã giải ngân được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với thời điểm 31/12/2016.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được. Cụ thể, có trên 47% tàu đóng mới là tàu cá vỏ thép và vỏ vật liệu mới, khoảng 50% tàu đóng mới có công suất từ 800 CV trở lên được trang bị hiện đại. Từ đó, tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới.
Bên cạnh đó, ngư dân mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.
"Số lượng tàu cá đóng mới đi vào hoạt động cơ bản đạt hiệu quả, đặc biệt là các tàu vỏ thép, vỏ composite tại các tỉnh miền Trung. Chủ tàu đã bắt đầu trả nợ lãi và vốn vay đóng mới tàu cá theo tiến độ cho ngân hàng"- Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67 còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế. Nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải.
Bên cạnh đó, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế. Công tác giám sát thi công, đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực và yếu về trình độ.
Đáng chú ý, có 40 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Phú Yên và Quảng Nam bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản)) sau khi mới đưa vào sử dụng, gây thiệt hại cho ngư dân.
Bình Định là địa phương có số lượng tàu đóng mới bị hư hỏng nhiều nhất với 20 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, ngay sau khi xảy ra sự cố, tỉnh đã yêu cầu 2 công ty trên khẩn trương khắc phục ngay những hư hỏng như: thay máy mới, thay loại thép...
"Đến thời điểm này, 2 công ty đang tích cực khắc phục, phấn đấu kết thúc ngay trong tháng 8 này, để sau tháng 8 các tàu cá này có thể tham gia đánh bắt được" - ông Trần Châu nói.
Theo ông Trần Châu, đến nay, Bình Định đã đóng mới được 58 tàu cá theo Nghị định 67. Mặc dù, còn một số bất cập nhưng hiệu quả mà Nghị định 67 mang lại là rất nhiều, ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ được nhà nước hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu cá. Bên cạnh đó, ngư dân còn được hỗ trợ về nhiên liệu và kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, vỏ tàu, ngư lưới cụ..., đồng thời bảo hiểm cho chính ngư dân.
"Đây là điều kiện hỗ trợ tốt cho ngư dân thực hiện đánh bắt xa bờ. Ngư dân rất vui mừng khi có tàu mới, không còn phải sợ sóng to gió lớn. Tỉnh thấy hiệu quả rõ của Nghị định 67, mục đích của tỉnh cũng là hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt xa bờ và nâng cấp hệ thống cảng cá, đội tàu dịch vụ hậu cần, tạo động lực cho tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, thủy sản là ngành mũi nhọn" - Phó Chủ tịch Trần Châu nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 67; trong đó phải gắn trách nhiệm của địa phương, cụ thể là các đơn vị cấp tỉnh có chức năng tham gia vào quá trình đóng tàu. Bởi hiện nay, mới chỉ có ngư dân tham gia giám sát việc đóng tàu, nhưng không có chuyên môn. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan lại không được tham gia vào khâu này.
Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa mới chỉ có các ngân hàng như Agribank, BIDV… đã tiến hành cho ngư dân vay vốn đóng tàu, còn nhiều ngân hàng chưa tham gia. Chính vì vậy, tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định nếu các ngân hàng thương mại nào không tham gia cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 thì cuối năm sẽ không xem xét thi đua.
"Không có lý do gì chính sách đưa ra mà các ngân hàng không tham gia. Không mơ màng gì đến xét phần thưởng thi đua cuối năm" - ông Thiên nhấn mạnh.
Chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định 67, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đang làm. Cơ sở hạ tầng nghề cá vừa thấp vừa thiếu đồng bộ, việc đầu tư chưa tương xứng, chưa tạo ra hệ tầng nghề cá chất lượng để hỗ trợ hậu cần nghề cá phát triển. Hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, chưa đảm bảo an toàn cho hoạt động tàu cá trên biển...
“Từ hạn chế trên, với mục tiêu Nghị định 67, đặt ra nhiệm vụ rất nặng cho chúng ta trong thời gian tới. Một mặt thực hiện được mục tiêu Nghị định 67, đồng thời sửa Nghị định cho phù hợp, áp dụng dễ hơn, hiệu quả hơn” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan phải tập trung sớm khắc phục sợ cố tàu vỏ thép hỏng hóc. Đây là việc vừa có ý nghĩa kinh tế, có ý nghĩa chính trị - xã hội cao. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trong vụ việc đóng tàu hư hỏng, đóng mới không đảm bảo chất lượng.
"Đồng thời, tổng hợp rà soát lại các cơ sở đóng tàu, đưa vào các đợn vị có chất lượng, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đảm bảo chất lượng. Quy trình đăng kiểm tàu cá cần làm chặt chẽ đảm bảo tàu xuất xưởng phải chất lượng. Nếu tàu đi vào hoạt động không tốt, đăng kiểm phải chịu trách nhiệm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát quá trình đóng tàu, ngư dân cũng cần tham gia quá trình này để xem tàu cá cần thêm bộ phận nào, lược bỏ bộ phận nào. Đặc biệt, rà soát quy hoạch lại số lượng tàu cá, gắn với điều tra nguồn lợi thủy sản để vừa đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, đồng thời phù hợp với khả năng đánh bắt thủy sản, đáp ứng được yêu cầu tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ tập trung sửa đổi bổ sung Nghị định 67 để ban hành trong Quý IV năm 2017 và có thể thực hiện ngay từ Quý I năm 2018.
"Làm sao để huy động được nguồn lực xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, các cảng cá trọng tâm, cơ chế cho vay phù hợp; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan đối với các cơ sở đóng tàu mới; sửa đổi bổ sung để có chính sách ưu đãi thuế, đúng với các quy định hiện hành", Phó Thủ tướng đề nghị.