Đến năm 2020, duy trì ổn định sản lượng khai thác ở mức 500.000 tấn/năm gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giảm dần sản lượng khai thác ven bờ khoảng 35%, tăng sản lượng khai thác xa bờ khoảng 65%, giảm dần số lượng tàu thuyền...
Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, với tổng kinh phí hơn 10,6 tỷ đồng. Hiện nay, các chương trình, đề án, dự án này đang triển khai thực hiện, bước đầu phát huy tác dụng tích cực, hiệu quả.
Cụ thể, đề án thí điểm thành lập mô hình đồng quản lý Tiểu khu bảo tồn biển ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm và ấp Bãi Bổn xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc. Đây là đề án thí điểm nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái thảm cỏ biển ở Phú Quốc; đồng thời tăng cường vai trò của cộng đồng, các ngành chức năng cấp xã, huyện trong công tác quản lý nghề cá tại địa phương, làm cơ sở để nhân rộng cho các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Hay dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng biển Kiên Giang. Kết quả điều tra của dự án làm cơ sở đề xuất các giải pháp sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng phù hợp với từng ngư trường, nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá của Kiên Giang.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, đây là dự án rất quan trọng đối với nghề cá của Kiên Giang vì số lượng tàu cá hoạt động ven bờ hiện có hơn 5.000 chiếc, chiếm gần 50% đoàn tàu cá của tỉnh nhưng việc chuyển đổi nghề còn chậm, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, nhất là tình trạng cào bờ, xiệp mé, cào điện, khai thác đánh bắt vùng cấm…
Trước đó, để bảo vệ, bảo tồn, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển, năm 2007, tỉnh Kiên Giang thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quốc tổng diện tích hơn 26.860 ha, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loại động thực vật quý hiếm. Tỉnh đang xây dựng dự án thí điểm thả rạn nhân tạo vùng biển thuộc khu bảo tồn biển này nhằm bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó, tỉnh công bố các khu vực bãi giống thủy sản tự nhiên trên vùng biển Kiên Giang. Hàng năm tỉnh tiến hành điều tra, phúc tra các khu bãi giống thủy sản tự nhiên để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.
Theo Phó Chủ tịch UBNND tỉnh Mai Anh Nhịn, tỉnh cũng chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ kết hợp cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Khuyến khích phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, giảm mạnh nghề lưới kéo làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản; nghiêm cấm và xóa dứt điểm những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản gắn với tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chuyển sang nuôi nhuyễn thể ven bờ, bãi triều, nuôi cá lồng bè trên biển hoặc những ngành nghề khác.
Tỉnh đánh giá trữ lượng cá cơm vùng biển Phú Quốc để có phương án khai thác hợp lý cũng như bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản này phục vụ nguyên liệu cho nghề sản xuất nước mắm truyền thống và sấy khô xuất khẩu; duy trì việc thả giống bổ sung một số loài như: Tôm, cua, ghẹ, cá về môi trường tự nhiên vào các ngày lễ lớn, ngày truyền thống ngành thủy sản, ngày Môi trường Thế giới, Tuần lễ biển đảo,…
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến pháp luật thủy sản, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân; trong đó tập trung những điểm mới của Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định về hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp, đối tượng vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, tỉnh phối hợp với các Viện, Trường thực hiện các đề tài nghiên cứu cải hoán tàu cá, cải tiến ngư cụ theo hướng giảm thiểu tác động đến nền đáy, có tính chọn lọc cao, giảm thiểu sản phẩm khai thác ngẫu nhiên; công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản và quy hoạch, tổ chức lại đội tàu khai thác đánh trên các vùng biển phù hợp với trữ lượng; có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, nhất là các nghề ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi và hệ sinh thái biển để giảm thiểu áp lực khai thác thủy sản vùng biển ven bờ.
Tiếp tục Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn tiếp theo, Kiên Giang tập trung triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; phát triển ngành nghề và nâng cao đời sống của nhân dân ven biển, hải đảo. Tỉnh xây dựng và triển khai chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý, khai thác biển - đảo bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển, khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản.