10 năm Chiến lược biển Việt Nam - Bài 1: Biến thách thức thành cơ hội

Cà Mau có diện tích vùng biển rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển các nước Thái Lan và Malaysia. Thế nên, đây là tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược biển Việt Nam cả về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Tàu cá ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Song, việc Uỷ ban Châu Âu (EC) giơ "thẻ vàng" đối với sản phẩm thuỷ sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như giá trị xuất khẩu của sản phẩm thuỷ sản cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng. Tuy nhiên, theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, đây cũng chính là cơ hội để nhận rõ những bất cập trong việc quản lý, phát triển nghề biển cũng như những quy định pháp lý, quy định về vùng khai thác, đánh bắt... nhằm tạo tiền đề cho nghề khai thác biển của tỉnh phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại.

Bài 1: Biến thách thức thành cơ hội

Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Cà Mau. Vì vậy, việc Uỷ ban Châu Âu (EC) giơ "thẻ vàng" đối với sản phẩm thuỷ sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của tỉnh, của ngư dân Cà Mau. Tuy nhiên Cà Mau đã có nhiều giải pháp chuyển hoá nguy cơ thành cơ hội, qua đó, không chỉ khắc phục các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của EC. Mà xa hơn là hoàn thiện về thể chế pháp lý, quy hoạch đội tàu cá, hoàn thiện hệ thống thông tin giám sát tàu cá, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển.... Đặc biệt hơn là ý thức ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển sẽ được nâng cao, từ đó, tiến đến mục tiêu hiện đại hoá nghề khai thác biển.

Tồn tại nhiều thách thức

Cùng với cả nước, Cà Mau đang đối mặt với thực trạng khai thác thuỷ sản theo kiểu tận diệt trên các vùng biển, các phương tiện khai thác hải sản sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác về vùng khai thác đã và đang có chiều hướng gia tăng; khai thác hải sản trái phép trên vùng biển các nước cũng diễn ra phức tạp.

Năm 2017, lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành thanh tra các hoạt động trên vùng biển Tây Nam Bộ và vùng biển của tỉnh, kết quả đã phát hiện 323 trường hợp tàu cá vi phạm, thu phạt trên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó là 20 phương tiện/110 thuyền viên khai thác trái phép trên vùng biển các nước bị phát hiện, xử lý.

Dù việc thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả hơn so với những năm trước đây nhưng tình hình vi phạm của ngư dân vẫn diễn biến phức tạp. Ông Diệp Hoàng Ân- Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, việc thanh tra, xử lý cần được duy trì thường xuyên và có tính liên tục nhưng do kinh phí hạn hẹp nên lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản không được duy trì hoạt động thường xuyên. Hơn nữa, dù đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng việc khai thác trái phép của ngư dân trên vùng biển các nước vẫn diễn ra, một số ngư dân vì lợi ích trước mắt cố tình vi phạm. 

Bên cạnh việc ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài thì vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng gặp khó. Bởi đa số các tàu cá khai thác xa bờ đều bán sản phẩm ngay trên biển cho các phương tiện thu mua, trong khi đó, các phương tiện khai thác gần bờ thì hầu hết bán cho vựa thu mua tại địa phương hoặc các chợ. Từ đó, việc kiểm soát tàu rời bến, lên bến tại cảng thực hiện không hiệu quả bởi các phương tiện thu mua và khai thác đa số khi vào bờ đều không cập cảng.

Về vấn đề này, ông Trần Minh Hoàng, phụ trách khu neo đậu bến cá Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cho biết, do chưa có chế tài buộc chủ tàu phải lên cá tại cảng nên đa số tàu cá khi vào bờ đều lên cá cho vựa chứ ít khi vào cảng cá.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tàu ra biển khai thác đến khi vào bờ từ trước đến nay do lực lượng biên phòng quản lý, các cảng cá trong tỉnh chỉ nắm những phương tiện có cập cảng để lên sản phẩm chứ không nắm toàn bộ các phương tiện trong tỉnh tạo bất cập trong việc ghi nhật ký khai thác của ngư dân.

“Hiện chúng ta còn thiếu những công cụ và chế tài để thiết lập, kiểm soát cơ sở dữ liệu tàu thuyền, sản lượng khai thác, loài thuỷ sản khai thác...”, ông Trần Minh Hoàng chia sẻ thêm.

Chuyển hoá nguy cơ

Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau đã dốc toàn lực chỉ đạo, triển khai các kế hoạch tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị và được UBND tỉnh thống nhất kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Uỷ ban Châu Âu.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân được xem là trọng tâm vì vậy cần phân tích rõ cho ngư dân hiểu vì sao phải tuân thủ các quy định về IUU, cũng như những tác hại khi sản phẩm khai thác của tỉnh không thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của ngư dân.

“Việc triển khai các giải pháp trên không chỉ nhằm khắc phục thẻ vàng mà về lâu dài thì đây là điều kiện để chúng ta định hướng, phát triển nghề khai thác biển trở nên hiện đại, phù hợp với các quy chuẩn quốc tế, giúp kinh tế biển phát triển hiệu quả, bền vững hơn”, ông Châu Công Bằng nhấn mạnh.

Theo ông Diệp Hoàng Ân cho biết thêm, ngành chức năng đang ưu tiên tập trung kiểm tra đối với các tàu làm nghề khai thác có nguy cơ thực hiện hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép như: nghề lưới kéo, sử dụng xung điện, chất nổ, các nghề xâm phạm đến môi trường và nguồn lợi hải sản.

Bên cạnh đó, tiến tới ngăn chặn việc khai thác sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thuỷ sản về vùng khai thác; đồng thời, từng bước thực hiện giám sát đối với các tàu cá đang hoạt động trên biển. Ngoài ra, lưu ý ban quản lý các cảng cá thực hiện hoạt động kiểm tra, đối chiếu các thông tin khai báo về hành trình, vùng biển, ngư trường khai thác.

Liên quan đến vấn đề này, hiện các địa phương trong tỉnh Cà Mau đang tích cực rà soát các phương tiện thường xuyên khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý phạt hành chính ở mức cao nhất đối với chủ tàu vi phạm.

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho hay: Tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp dù huyện đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, xử lý.

Để siết chặt quản lý, theo ông Lê Phong, địa phương đã yêu cầu sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng ngư dân về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước lân cận trong khai thác hải sản.

Cà Mau hiện không chỉ phát triển đội tàu khai thác xa bờ mà đội tàu dịch vụ hậu cần để phục vụ ngư dân trên biển cũng được phát triển mạnh mẽ. Điều này giúp mỗi chuyến ra khơi của ngư dân giảm chi phí, tăng thu nhập.

Thống kê cho thấy, đến nay UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt 91 tàu đủ điều kiện đóng mới, các ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay đóng mới 32 tàu, với số vốn trên 356 tỷ đồng; trong đó, có 9 tàu dịch vụ hậu cần và 23 tàu khai thác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư đồng bộ hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, bến neo đậu, cảng cá trên địa bàn tỉnh.

Ông Châu Công Bằng chia sẻ thêm, Cà Mau đang từng bước quy hoạch lại đội tàu sao cho phù hợp với nguồn lợi theo hướng giảm về số lượng nhưng tăng về chất lượng. Đặc biệt, với Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thuỷ sản, Cà Mau bắt đầu hình thành đội tàu cá công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt.

Bài 2: Phát huy tối đa tiềm năng lợi thế

Huỳnh Anh (TTXVN )
10 năm Chiến lược biển Việt Nam: Thái Bình phát triển kinh tế hướng ra biển
10 năm Chiến lược biển Việt Nam: Thái Bình phát triển kinh tế hướng ra biển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chỉ rõ, phát triển kinh tế biển là một trong những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN