Trước thực tế đó, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hướng tới nền kinh tế biển phát triển đa dạng, nhất là hiện đại hóa nghề khai thác biển.
Mạnh dạn vươn khơi
Là một trong những hộ tiên phong trong việc tự đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, ông Lê Văn Thiệt, khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: "Trong khi ngư trường ngày càng cạn kiệt dần thì lượng tàu cá lại quá đông nên nếu không vươn khơi đánh bắt sẽ khó mang về nguồn lợi hải sản lớn. Ở cửa biển Sông Đốc này, ngư dân ngày càng mạnh dạn đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ".
Chỉ tính riêng tại cửa biển Sông Đốc, số hộ tự đóng mới tàu công suất lớn hiện đã có trên 30 phương tiện được đóng mới bởi ngư dân dần mạnh dạn đầu tư với mục tiêu phát triển nghề biển của gia đình theo hướng đổi mới hiện đại.
Là một trong những địa phương phát triển nghề khai thác biển mạnh nhất tỉnh, huyện Trần Văn Thời hiện có hơn trên 2.400 phương tiện khai thác; trong đó, trên 1.300 phương tiện có công suất trên 90 CV, có khả năng khai thác xa bờ, đánh bắt dài ngày trên biển.
Ông Sử Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, với chiều dài bờ biển 34 km và ngư trường rộng 800 km2 huyện Sông Đốc không chỉ là cửa biển quan trọng bậc nhất của tỉnh Cà Mau mà còn nắm giữ vai trò to lớn trong chiếc lược phát triển vùng kinh tế biển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này thể hiện qua việc hàng năm, chỉ tính riêng tổng sản lượng hải sản mà nơi đây đem lại đã đạt trên 115.000 tấn, với nhiều chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó mà nghề khai thác biển luôn là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, hiện nay không chỉ tại Sông Đốc mà ngư dân của nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang đầu tư mạnh mẽ để hiện đại hoá đội tàu.
Theo ông Nguyễn Thành Kính, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, nhờ được hỗ trợ nguồn vốn từ Nghị định 67, gia đình ông đã đóng tàu có công suất hơn 800 CV làm nghề lưới rê, có tải trọng trên 200 tấn với kinh phí trên 12 tỷ đồng.
“Để hiện đại hoá nghề khai thác biển thì vấn đề cốt yếu là đầu tư, phát triển đội tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Bởi, như thời gian qua, việc tập trung đánh bắt gần bờ trong thời gian dài vừa không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn khiến nguồn tài nguyên biển bị cạn kiệt dần”, ông Kính chia sẻ.
Vùng biển Cà Mau rộng khoảng 80.000 km2, là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước và thực tế trong những năm qua, sản lượng khai thác biển hàng năm của tỉnh Cà Mau không ngừng tăng lên. Vì vậy, ngành khai thác thuỷ sản không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động ven biển mà còn góp phần to lớn vào việc bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển và hải đảo.
Đa dạng kinh tế biển
Ghi nhận tại huyện Phú Tân cho thấy, địa phương này có 37 km chiều dài bờ biển và mỗi năm biển đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho huyện với sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm khoảng 20.000 tấn. Đáng lưu ý, toàn huyện có 108 doanh nghiệp; trong đó có đến 75 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế biển, chiếm khoảng 69,4% số doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Ông Trần Quốc Yên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân cho biết, kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua, huyện Phú Tân đã xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá và bến cá tại thị trấn Cái Đôi Vàm và hạng mục xây dựng trụ neo tàu đã nghiệm thu đưa vào sử dụng với chiều dài 2.600 m… Hiện trên địa bàn huyện có trên 20 cơ sở thu mua hải sản, tập trung ở các xã Nguyễn Việt Khái, Phú Tân, Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm. Qua điều tra, rà soát năm 2016, tổng số tàu cá còn hoạt động là 525 phương tiện, tổng công suất 39.471 CV.
Để kinh tế biển phát triển tương xứng với tiềm năng, tỉnh Cà Mau đang khuyến khích ngư dân vươn khơi đánh bắt, quy hoạch lại đội tàu và dần loại bỏ những nghề khai thác mang tính huỷ diệt nguồn lợi hải sản, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau; đồng thời, trong Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2020, địa phương đã triển khai thực hiện hoàn thành Dự án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khẳng định: Địa phương đã định hướng, quy hoạch nghề khai thác hải sản hiệu quả, hợp lý gắn với phát triển bền vững. Qua đó, quy hoạch theo hướng chọn lọc, định hướng đến năm 2025 đội tàu giảm còn 4.500 chiếc và tiếp tục giảm số lượng đội tàu đến năm 2030. Sản lượng khai thác giảm từ nay đến năm 2025 và giữ ổn định đến năm 2030. Trong khai thác chú trọng tính chọn lọc, khai thác những loại hải sản có giá trị kinh tế cao nên dù giảm về sản lượng nhưng tăng về giá trị kinh tế.
Trong mục tiêu phát triển đồng bộ nền kinh tế biển, hiện nay, các ngành, lĩnh vực có liên quan như dịch vụ, du lịch vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Từ thực tế đó, Cà Mau hiện đang nỗ lực tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng du lịch và phát triển các ngành có liên quan như tăng cường hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch chủ động lập quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối du lịch...
Ngoài ra, địa phương triển khai các chính sách nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực kinh tế biển bởi đây sẽ là nguồn nhân lực phục vụ kinh tế thuỷ sản, bao gồm: khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và phục vụ du lịch biển đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng như kinh tế hàng hải như khai thác cảng, vận tải biển và đóng tàu...
Để đạt được mục tiêu đề ra, Cà Mau đang đẩy mạnh liên kết với với các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề trong nước và quốc tế để đạo nguồn nhân lực kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Cà Mau đang triển khai các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, cảng Năm Căn, cảng biển Sông Đốc. Mặt khác, tập trung khai thác thế mạnh các đảo, bờ biển để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển như: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc..., phát triển đa dạng loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải biển, hàng hải…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng: "Nếu có sự đầu tư đồng bộ cho kinh tế biển, chúng ta không chỉ phát triển ngành khai thác hải sản theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn mà còn có thể kéo theo sự phát triển tích cực cho các lĩnh vực kinh tế khác, nhất là thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".