Những bộ xương hóa thạch, được tìm thấy ở vùng Lingwu phía tây bắc nước này, được đặt tên là Lingwulong shengi, có nghĩa là “rồng thần kỳ Lingwu”. Phát hiện này vừa được thông báo ngày 24/7 và có thể khiến giới nghiên cứu phải suy nghĩ lại về toàn bộ tổ tiên những con vật to lớn nhất từng sống trên hành tinh của chúng ta.
Lingwulong shenqi, một thành viên trong họ khủng long ăn cỏ mang tên sauropod, sống cách đây 174 triệu năm vào kỷ Jurassic.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời nhà cổ sinh vật học Xing Xu tại Viện Khoa học Trung Quốc cho biết các nhà khoa học đã đào được xương hóa thạch của ít nhất 8 -10 con Lingwulong.
Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện ra loài Lingwulong đã đẩy lùi 15 triệu năm về sự xuất hiện của khủng long sauropod tiến hóa, bao gồm một số loài sinh vật trên cạn lớn nhất từ trước đến nay.
“Trước đây, chúng ta nghĩ rằng tất cả những con sauropod tiến hóa bắt nguồn từ gần 160 triệu năm trước và nhanh chóng đa dạng rồi lan rộng trên khắp hành tinh trong một khoảng thời gian ngắn, có lẽ là 5 triệu năm", nhà cổ sinh vật học Paul Upchurch tại trường Đại học College London, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, phát hiện về Lingwulong đồng nghĩa với việc nhóm khủng long này đã bắt đầu hình thành sớm hơn và chậm hơn. Lingwulong sống ở môi trường nóng ẩm có cây cối um tùm. Cổ của con vật này ngắn hơn những con sauropod khác và nó có thể ăn được những loài thực vật mềm.
“Phát hiện của chúng tôi còn chỉ ra rằng Đông Á từng nối liền với các lục địa khác tại thời điểm đó”, ông Xu cho biết thêm.