Chị Mai Thị Ngần (34 tuổi) là một nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại Đại học Miyazaki ở tỉnh Miyazaki (Nhật Bản). Chị đã được AFFRC trao giải thưởng trên nhờ công trình nghiên cứu phát triển phương pháp nhân gen đẳng nhiệt và hệ thống gộp mẫu trong chẩn đoán vi rút dịch tiêu chảy cấp ở lợn một cách đơn giản, chính xác và tiết kiệm.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, chị Ngần cho biết việc kiểm soát các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ý thức của người dân và kinh phí hạn chế cùng với nhiều yếu tố khác. Vì vậy khi bắt đầu công trình nghiên cứu, chị đã sử dụng phương pháp xét nghiệm phổ biến hiện nay là PCR. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi chi phí nghiên cứu rất cao. Trong lúc chưa tìm được kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, chị đã tìm đến với phương pháp nhân gen đẳng nhiệt.
“Đây là phương pháp rất đơn giản, có chi phí thấp và rất dễ áp dụng trong thực tiễn. Phương pháp này có thể áp dụng cho việc chẩn đoán nhiều loại bệnh dịch trên gia súc, gia cầm do các loại vi rút hoặc vi khuẩn khác gây ra”, chị Ngần nói.
Trước khi sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh vào năm 2016, chị Ngần công tác tại Bộ môn vi sinh vật-truyền nhiễm, khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chị Ngần tâm sự, sau khi hoàn thành khóa học nghiên cứu sinh tại Đại học Miyazaki, chị muốn trở về Việt Nam để áp dụng các kết quả nghiên cứu của mình vào thực tế, đồng thời thực hiện các dự án nghiên cứu khác.
Có mặt tại lễ trao giải, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã chúc mừng chị Mai Thị Ngần vì được AFFRC trao giải thưởng cao quý này, đồng thời hy vọng nhà khoa học này sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khác phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm ở Việt Nam và Nhật Bản.
Ngoài chị Ngần, hai nhà khoa học nước ngoài khác được AFFRC trao giải thưởng lần này gồm: Tiến sĩ Jacobo Arango Mejia của Colombia với công trình nghiên cứu về các loại cỏ làm thức ăn cho gia súc giúp giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chống biến đổi khí hậu và Tiến sĩ Rebejith Kayattukandy Balan của Ấn Độ với công trình nghiên cứu về các cách tiếp cận phân tử trong việc xác định, đa dạng hóa và quản lý các côn trùng gây hại quan trọng ở Ấn Độ.