Mười năm, 'cứu' hơn 700.000 tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam

Trong 10 năm qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã sưu tầm, lưu giữ và “cấp cứu” được hơn 700.000 tài liệu, hiện vật là di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng bằng khen cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. 

Ngày 9/9/2018, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, cũng là 10 năm theo đuổi công việc nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ tài liệu hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam cho các thế hệ sau. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ở nước ta, vấn đề di sản văn hóa đã được đề cập nhiều, nhưng hầu như ít ai nghĩ đến di sản của các nhà khoa học, và đây là một khoảng trống lớn trong di sản về lịch sử.

Trên thực tế, mỗi nhà khoa học, dù ít hay nhiều, vừa tham gia đóng góp vào lịch sử phát triển lĩnh vực khoa học của mình, vừa là nhân chứng của lịch sử, hay có thể nói: Mỗi nhà khoa học như là một sợi chỉ để dệt nên bức tranh muôn màu của nền khoa học nước nhà. Do đó, muốn tái hiện lịch sử của một ngành khoa học, cần phải nghiên cứu, sưu tầm di sản của từng nhà khoa học, dù họ nổi tiếng hay không nổi tiếng.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, xã hội ta nói chung và các nhà khoa học nói riêng nhận thức chưa đầy đủ về di sản của các nhà khoa học. Nhiều người cho rằng, di sản của nhà khoa học chỉ là những tác phẩm đã xuất bản, đã công bố.

Chú thích ảnh
Cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học giới thiệu với TSKH Phan Xuân Dũng về công việc lưu giữ di sản các nhà khoa học. Ảnh: TTDS.

Nhưng, theo quan niệm của Trung tâm di sản, tất cả tài liệu hiện vật được nhà khoa học tạo ra hay sử dụng, dù đó là những trang bản thảo sửa chữa chằng chịt, những cuốn sổ ghi chép với nhiều nét nguệch ngoạc, những bức ảnh đã ố màu hay những kỷ vật cũ kỹ, hoen gỉ... đều là di sản quý giá, phản ánh lịch sử cuộc đời của nhà khoa học, cũng như sự phát triển của ngành khoa học mà họ cống hiến, và góp phần khắc họa bức tranh nền khoa học của đất nước. Đồng thời, cũng phản ánh hoàn cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của đất nước qua các thời kỳ…

Cũng bởi lẽ đó, trong công tác nghiên cứu sưu tầm, Trung tâm di sản luôn chú trọng tìm hiểu những thông tin, câu chuyện liên quan đến mỗi tài liệu hay hiện vật của nhà khoa học. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, di sản ký ức của chính nhà khoa học, hay của người thân, đồng nghiệp, học trò về nhà khoa học cũng vô cùng quan trọng.

Trong nhiều năm hoạt động và công tác, các nhà khoa học tham gia nhiều đề tài, công trình nghiên cứu, tham gia và chứng kiến nhiều sự kiện, trải nghiệm nhiều trong lao động khoa học và cuộc sống. Những kinh nghiệm, bài học của họ có giá trị về nhiều mặt, một phần được họ đúc kết trong các ấn phẩm khoa học chuyên ngành, nhưng còn nhiều câu chuyện phía sau các công trình nghiên cứu, còn biết bao suy nghĩ, trăn trở về khoa học, về cộng đồng khoa học, về xã hội, về con người cùng với nhiều kỷ niệm về ngành, về người vẫn lưu lại trong đầu óc họ, chưa có dịp bày tỏ.

Nhà khoa học càng tuổi cao, các di sản này càng mong manh. Do đó, phải “cấp cứu" những di sản ký ức cùa nhà khoa học, tức là tiếng nói của người chứng kiến hay tham gia vào những sự kiện lịch sử và khoa học… Từ quan điểm đó, mà suốt 10 năm qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã kiên trì nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học.

Chú thích ảnh
Khách tham quan trưng bày Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: TTDS.

Từ con số không khi mới thành lập, đến nay Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận nghiên cứu hơn 1.400 nhà khoa học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh... thuộc nhiều chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, công nghệ… Tính đến nay, Trung tâm đã "cấp cứu" được hơn 700.000 tài liệu, hiện vật, là di sản cùa các nhà khoa học Việt Nam.

Trong đó, Trung tâm hiện đang lưu trữ hàng chục vạn tài liệu hiện vật đa dạng về loại hình và hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình. Việc biên soạn hai bộ sách “Di sản ký ức của nhà khoa học” (7 tập) và “Những câu chuyện hiện vật” (4 tập), tổ chức thành công 18 lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật cùng 2 cuộc trưng bày “Khát vọng học hỏi và sáng tạo” và “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” là những hoạt động thể hiện sự nỗ lực phát huy giá trị di sản nhà khoa học của Trung tâm.

Một Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) được xây dựng theo mô hình đa năng, trong đó tổ hợp bảo tàng - thư viện - trung tâm lưu trữ di sản các nhà khoa học là điểm nhấn độc đáo. Chưa đầy hai năm mở cửa (2016-2018), Công viên đã thu hút hơn 80.000 lượt khách tham quan đến từ mọi miền Tổ quốc.

Ngày 9/9/2018, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2008-2018) và đón nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của UBND TP. Hà Nội và của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

 

Phương Hà/Báo Tin tức
Tiếp nhận hơn 1.500 tài liệu, hiện vật của GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao
Tiếp nhận hơn 1.500 tài liệu, hiện vật của GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) vừa tổ chức lễ tiếp nhận hơn 1.500 tài liệu, hiện vật của GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao. Đây là đợt tiếp nhận lần thứ hai của TTDS được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN