Ảnh minh họa một tiểu hành tinh xoay quanh ngôi sao sáng. Ảnh: NASA |
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, các nhà khoa học không những không biết vật thể lạ đó là gì mà còn không rõ nó đến từ đâu.
Vì sự chuyển động của vật thể đó không giống như loại đá thông thường trong không gian hệ Mặt Trời của chúng ta, nên các nhà khoa học nghi ngờ rất có thể nó đến từ một hệ Mặt trời khác.
Đường kính của vật thể lạ này vào khoảng 400m và tốc độ di chuyển khá nhanh (xấp xỉ 86.904 km/h). Đầu tháng 10 qua, vật thể bí hiểm đã chạy ngang dưới quỹ đạo quay của Trái Đất ở khoảng cách 24 triệu km.
Theo NASA, nếu như vật thể đó đích thị đến từ ngoài hệ Mặt Trời, thì nó sẽ là vật thể liên sao đầu tiên được các nhà thiên văn học Trái Đất quan sát và ghi nhận lại.
Paul Chodas – giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vật thể sát Trái Đất của NASA nhận xét hiện tượng này đã được các nhà khoa học đón chờ được chiêm ngưỡng từ rất lâu: “Chúng tôi đã mất hàng thập kỷ để chờ đợi ngày này. Từ lâu đã có giả thuyết cho rằng những vật thể như này có tồn tại – một tiểu hành tinh hoặc một ngôi sao chổi di chuyển giữa các ngôi sao và thi thoảng bay ngang qua hệ Mặt Trời của chúng ta – tuy nhiên đây là lần phát hiện đầu tiên. Cho đến bây giờ, mọi thứ đều ám chỉ đây rất có thể là một vật thể liên sao, nhưng cần phải thêm dữ liệu để khẳng định”.
Các chuyên gia nghiên cứu đang chủ động điều khiển kính thiên văn cả trên mặt đất lẫn không gian hướng về phía vật thể nhằm tìm thêm dữ liệu chi tiết.
Hiện theo đánh giá của giới chuyên môn, vật thể - tạm thời có tên gọi A/2017 U1, không phải là mối đe dọa với chúng ta và đang di chuyển về hướng chòm sao Pegasus, rời khỏi hệ Mặt Trời.