Các nhà khoa học Peter Higgs của Anh và Francois Englert của Bỉ đã trở thành chủ nhân giải Nobel Vật lý 2013 vì đã phát hiện ra hạt Higgs Boson giúp giải thích về sự tồn tại của khối lượng.
Nhà khoa học người Anh Peter Higgs (phải) trao đổi cùng đồng nghiệp người Bỉ Francois Englert. Ảnh: AFP |
Trong lễ công bố giải ngày 8/10, Hội đồng giải Nobel Vật lý cho biết hai nhà khoa học nói trên được vinh danh vì đã tìm ra cơ chế về lý thuyết giúp con người hiểu rõ nguồn gốc tạo nên khối lượng của các hạt phân tử.
Năm 1964, Peter Higgs đưa ra lý thuyết về hạt Higgs, một hạt cơ bản trong mô hình chuẩn của ngành vật lý hạt và là một trong những loại hạt boson. Dựa trên lý thuyết của Peter Higgs, Englert và hàng trăm nhà khoa học khác tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) tháng 7/2012 đã tìm ra một hạt phân tử tương thích với hạt Higgs Boson, tạo ra dấu mốc khoa học quan trọng.
Hạt Higgs còn được gọi là "hạt của Chúa" vì tầm quan trọng của nó trong vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỷ năm. Hạt Higgs nếu tồn tại sẽ chứng tỏ được sự tồn tại của vật chất tối (được cho là chiếm đến 3/4 vật chất trong vũ trụ).
Theo Ủy ban Nobel, đến nay, giải Nobel Vật lý đã được trao 106 lần cho 194 người kể từ năm 1901. Nhà khoa học John Bardeen là người duy nhất được trao giải Nobel Vật lý hai lần, vào năm 1956 và 1972.
Vật lý là lĩnh vực đầu tiên mà Alfred Nobel đề cập đến trong di chúc của ông. Lúc bấy giờ, tức vào thế kỷ 19, nhiều người xem vật lý là một môn khoa học thời thượng, có lẽ vậy mà tất cả những nghiên cứu của ông Nobel cũng thiên về vật lý.
Giải Nobel Vật lý năm nay được công bố sau giải Nobel Y học thuộc về hai nhà khoa học Mỹ James Rothman và Randy Schekman, cùng nhà khoa học Đức Thomas Suedhof, với nghiên cứu mang tính đột phá về cách thức tế bào tổ chức hệ thống vận chuyển.
Các giải Nobel Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế sẽ lần lượt được công bố trong những ngày tới. Những người đoạt giải Nobel năm 2013 sẽ nhận giải thưởng tương đương 1,2 triệu USD tại một buổi lễ long trọng ở thành phố Stockholm vào ngày 10/12 tới. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ do Uỷ ban Nobel của Na Uy trao tặng tại Oslo.
TTXVN/Tin tức