Tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 5/7, nhiều vấn đề xung quanh những điểm mới trong Dự thảo Luật được các đại biểu cùng thảo luận. Tuy vậy, theo nhiều đại biểu, âm hưởng chủ đạo của dự thảo Luật vẫn là ngân sách nhà nước, bộ máy tổ chức và cách thức phân bổ, tài trợ, giải ngân, triển khai đề tài KH&CN hiện hành, chứ chưa " lấy cơ chế thị trường làm động lực phát triển KH&CN". Hình minh họa. Nguồn: Internet |
*Nhiều bất cập Tuyệt đại đa số các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), các nhà khoa học đều cho rằng vướng mắc lớn nhất, điểm tắc nghẽn chủ yếu nhất trong hoạt động KH&CN hiện nay chính là cơ chế tài chính.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa 12 nhận định: Đầu tư cho KH&CN chưa tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu của lĩnh vực này. Ngân sách nhà nước chỉ dành cho KH&CN được 2% tổng chi hàng năm và trong tình hình tài chính đất nước hiện nay chắc khó có thể tăng thêm nữa.
Trong khi đó, đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho KH&CN gần như không đáng kể. Các doanh nghiệp chủ yếu mua công nghệ lạc hậu, thiết bị của nước ngoài; không hiếm trường hợp mua công nghệ lực hậu, thiết bị đã qua sử dụng để kiếm lời nhờ chênh lệch giá.
Cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN nặng tính bao cấp, không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN; kinh phí thường xuyên cấp rất chậm so với yêu cầu về tiến độ nghiên cứu - triển khai; thủ tục thanh toán, cồng kềnh, không tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung vào công tác chuyên môn.
Việc để xuất, phê duyệt, giao nhiệm vụ nghiên cứu và nghiệm thu, ứng dụng kết quả nghiên cứu tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp, do đó tính hiệu quả của hoạt động KH&CN thấp.
Theo một thống kê của tác giả Lê Văn Út và Thái Lâm Toàn thì từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, riêng năm 2011 không có bằng sáng chế nào. So sánh trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có 647, Malaysia có 161, Thái Lan có 53, Philippin có 27 bằng sáng chế.
Các ý kiến đều cho rằng, việc chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất còn rất hạn chế. Luật chưa quy định rõ trách nhiệm cho đơn vị hoặc cá nhân chủ nhiệm đề tài/dự án sau khi nghiên cứu phải có trách nhiệm chuyển giao mà tùy thuộc vào tổ chức, cá nhân thích hay không thích chuyển giao, vì vậy các tổ chức nghiên cứu và tổ chức chuyên giao hầu như độc lập với nhau, là một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thông thường, các sản phẩm, nhiệm vụ KH&CN còn manh mún, tản mạn, chưa rõ các tiêu chí để xác định các sản phẩm cuối cùng của đề tài, dự án. Việc đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu sau khi đã kết thúc, hội đồng KH&CN tư vấn xác định đề tài/dự án và Hội đồng đánh giá thường độc lập với nhau, vì vậy quá trình theo dõi đánh giá không liên tục dẫn đến đánh giá mang tính chất chủ quan. Việc nghiệm thu và thông qua kết quả nghiên cứu nặng về hình thức, vì vậy trong thực tế không có trường hợp nào không được nghiệm thu...
*Tháo gỡ ... bắt đầu từ Luật Nhìn chung, các quy định mới trong dự thảo Luật có nhiều điểm tiến bộ so với quy định hiện hành nhưng vẫn chưa tạo ra được những thay đổi căn bản về cơ chế vận hành để KH&CN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về nghiệm thu, ứng dụng kết quả nghiên cứu, các quy định trong dự thảo Luật chưa bảo đảm "gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với giáo dục và đào tạo, với hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường KH&CN", GS.VS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội đồng KHCN, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Những dự án/đề tài trọng điểm cấp nhà nước nên khuyến khích hình thức giao trực tiếp tránh tình trạng có nhiều đơn vị, cá nhân thuyết minh tốt nhưng làm không tốt hoặc ngược lại.
Đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu là khâu then chốt quan trọng nhất, vì vậy các dự án/đề tài trọng điểm hoặc các sản phẩm chủ lực bắt buộc trước khi đưa ra thẩm định tại các hội đồng chuyên ngành, nhất thiết phải có ý kiến phản biện độc lập ít nhất của 2 chuyên gia đầu ngành và 1 tổ chức chuyên ngành.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những giải pháp tốt nhất để chuyển giao nhanh và hiệu quả công nghệ mới vào sản xuất là nhà nước giành ngân sách đầu tư cho doanh nghiệp KHCN nông nghiệp để mua bản quyền các công nghệ mới, thuê chuyên gia công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chuyển giao KHCN rồi chuyển giao cho nông dân và các đơn vị sản xuất trực tiếp.
Dự thảo Luật chưa nêu được giải pháp huy động các nguồn lực xã hội để phát triển KH&CN. Muốn tháo gỡ bế tắc này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Cần có những quy định cụ thể trong Luật về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân góp vốn hoặc hiến tặng tài sản cho hoạt động KH&CN như góp vốn cho các quỹ KH&CN được đảm bảo giá trị vốn và tính lãi suất như lãi suất huy động của ngân hàng hoặc được khen thưởng.
Để khuyến khích người dân đóng góp tiền của cho các hoạt động KH&CN cũng cần đổi mới quy định trong các luật khác về chính sách thuế đối với tài sản, tài sản thừa kế như quy định của luật pháp một số nước phát triển hiện nay như tài sản hoặc tài sản thừa kết vượt quá mức quy định phải nộp thuế cao. Đồng thời, cần xem xét lại chính sách miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với công nghệ, thiết bị nhập khẩu để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ trong nước.
Luật cần quy định theo hướng cho phép các doanh nghiệp được đề xuất nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước với Bộ KH&CN, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vì trong dự thảo Luật bỏ qua doanh nghiệp - đối tượng rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học.
Luật cũng nên quy định rõ mối quan hệ giữa Bộ KH&CN với các quỹ quốc gia trong lĩnh vực KH&CN; trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN và việc tổ chức đánh giá, nghiệm thu, sử dụng kết quả nghiên cứu, thu hồi, phát triển vốn ở các quỹ này để đảm bảo hiệu quả hoạt động và sự phát triển lâu dài của các quỹ.
Để giải quyết vướng mắc về phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN hiện nay, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cấm sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho hoạt động KH&CN vào mục đích khác.
TTXVN/ Tin Tức