Trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes, anh Bombardier bày tỏ “Tôi muốn chế tạo một mẫu máy bay có thể di chuyển tốc độ siêu thanh”. Theo mẫu thiết kế, chiếc máy bay có tên Antipode này có thể đạt vận tốc Mach 4 (tương đương hơn 8.000 m/s) - gấp 12 lần so với vận tốc máy bay siêu âm Concorde của hãng Bristol Aeroplane Company (Anh) và Sud Aviation (Pháp).
Mẫu thiết kế máy bay siêu âm của Bombardier. |
Trước đó, nhà sáng chế này cũng đã thu hút chú ý của dư luận toàn cầu vào tháng 10/2015 khi ra mắt mẫu thiết kế máy bay siêu âm Skreemr. Thay vì sử dụng tên lửa đẩy như những máy bay khác hiện hành, Skreemr cất cánh nhờ trang bị hệ thống phóng bao gồm hai đường ray song song có phát ra điện từ gắn trên đường băng. Sau đó, Skreemr sẽ đốt cháy oxy lỏng hoặc dầu hỏa để tăng độ cao của máy bay và đạt vận tốc Mach 4.
Cải tiến hơn so với Skreemr, mẫu máy bay siêu âm thế hệ mới Antipode có thể cất cánh từ bất kì đường băng nào bằng cách sử dụng hệ thống tên lửa phóng tự động. Các tên lửa này được gắn vào cánh Antipode cung cấp đủ lực đẩy để máy bay đạt tốc độ Mach 5 và lên cao tới hơn 12.000m. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tăng tốc cho Antipod, các tên lửa sẽ tách rời cánh và quay ngược trở lại sân bay.
Antipode sẽ sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) để làm bộ phận chính kích hoạt máy bay khởi động. Không giống với động cơ dùng trong tên lửa, scramjet sẽ đốt cháy oxy lấy từ ngay trong không khí thay vì đốt nguyên liệu oxy lỏng hay dầu hỏa có trong các bình chứa đi kèm.
Cánh máy bay cũng được thiết kế có đủ sức lướt và hạ cánh trên đường băng dài khoảng 1.800 m. Bên cạnh đó còn trang bị thêm một tên lửa khẩn cấp có thể kích hoạt trong trường hợp máy bay cần phải hạ cánh lần 2 hoặc giảm tốc.
Tuy nhiên, thách thức được đặt ra cho các nhà chế tạo đó chính là sức nóng. Một vật thể khi di chuyển với vận tốc Mach 5 sẽ tự động phát nhiệt lên đến 980 độ C, và chỉ có một số ít vật liệu có thể chịu được độ nhiệt cao như vậy. Ngoài ra, khi khởi động, máy bay sẽ phát ra tiếng nổ siêu âm trên mặt đất và ảnh hưởng tới khu vực đông dân cư.
Đối mặt với những khó khăn trên, Bombardier tin rằng anh có thể tìm được giải pháp để xử lí. Anh đã liên lạc với Joseph Hazeltine - một kỹ sư chuyên cung cấp các vật dụng hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) và Bộ Quốc phòng Mỹ. Anh Joseph gợi ý sử dụng kỹ thuật khí động lực có tên gọi LPM (long penetration mode) - thông qua vòi phun định hướng đẩy ở mũi máy bay, không khí có thể thoát ra ngoài, làm giảm nhiệt độ tiếp xúc bề mặt và giảm sóng xung kích cũng như tiếng ồn phát ra khi phá vỡ rào cản âm thanh.
Theo dự tính của cha đẻ chiếc Antipod, giá của một máy bay siêu âm sẽ lên tới 150 triệu USD - một con số khá lớn so với một chiếc máy bay thương mại thông dụng. Bombardier hi vọng “Antipod có thể sử dụng như một chiếc máy bay thương mại cũng như quân sự để chuyên chở các quan chức cấp cao đi ngang qua các châu lục mà không mất 1 tiếng đồng hồ”.
Hiện dự án trên chỉ trên lý thuyết, và cần phải mất nhiều thập kỷ nữa mới có thể hoàn thành. Thậm chí đến ngay cả NASA và Lầu Năm Góc vẫn chưa chế tạo được một máy bay siêu âm hoàn chỉnh. Tuy nhiên với những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện thời thì không có gì là không thể.