Vượt qua được cả S-300, UAV tấn công tự sát Lancet của Nga lợi hại đến mức nào?

Máy bay không người lái tấn công tự sát Lancet đã trở thành tâm điểm tin tức trong những tuần gần đây với tư cách là một phần cứng quân sự "thay đổi cuộc chơi" trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái tấn công tự sát Lancet của Nga. Ảnh: Zala Group

Theo đài Sputnik, những tuần gần đây quân đội Nga đã có nhiều báo cáo về việc sử dụng UAV trinh sát và tấn công Lancet chống lại một loạt thiết bị quân sự của Ukraine và phương Tây, vốn trang bị các hệ thống nhắm mục tiêu UAV khác nhau, từ lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất tới hệ thống phòng không Avenger của Liên Xô (cũ), tên lửa phòng không Osa và bệ phóng tên lửa RM-70 do Séc sản xuất.

Tháng trước, Moskva tuyên bố 5 hệ thống phòng không của Ukraine đã bị phá hủy chỉ trong 24 giờ ở khu vực Kherson, trong số đó có 4 tổ hợp phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất và một tổ hợp phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất. UAV Lancet đã được Nga sử dụng để tiêu diệt cả 5 hệ thống này.

Lancet được Nga đánh giá là một loại vũ khí làm thay đổi cuộc chơi, lấy đi lợi thế của các loại pháo "bắn và chuồn" do NATO cung cấp cho Kiev – được thiết kế để khai hỏa nhanh chóng rồi di chuyển đến một khu vực khác để tránh hỏa lực trả đũa của Nga. Các nhà quan sát quốc phòng cho biết các mạng chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) của Nga đã học cách tự động nhắm mục tiêu vào pháo binh Ukraine bằng cách sử dụng máy bay không người lái Lancet.

Xem video UAV Nga phá hủy hệ thống tên lửa phòng không Ukraine (nguồn: Sputnik):

Ai chế tạo máy bay không người lái Lancet?

Lancet được phát triển bởi ZALA Aero Group, một doanh nghiệp quốc phòng có trụ sở tại Izhevsk (Nga), nổi tiếng về máy bay không người lái và hệ thống gây nhiễu cho cả mục đích quân sự và dân sự. ZALA là công ty con của tập đoàn Kalashnikov, thuộc tập đoàn quốc phòng và công nghệ khổng lồ Rostec của Nga.

Lancet, lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm quân sự ARMY năm 2019, là thiết kế máy bay không người lái mới nhất và tiên tiến nhất của ZALA. Các UAV được công ty giới thiệu trước đó bao gồm máy bay không người lái trinh sát thiết kế cánh thông thường 421-20 và 421-09, loại nhỏ 421-04M, 421-08, 421-16, được cung cấp cho quân đội và các cơ quan dân sự như Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga.

Công ty cũng sản xuất các trực thăng một cánh quạt và nhiều cánh quạt như ZALA 421-02 và 421-06, được thiết kế để chụp ảnh trên không, giao hàng, cũng như phát và truyền lại tín hiệu truyền hình và radio. Loại 421-06 có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực.

Lancet không phải là máy bay không người lái tấn công tự sát duy nhất trong kho vũ khí của ZALA. Họ còn có Koub - máy bay không người lái tấn công cánh tam giác có trọng tải 3 kg, thời gian hoạt động tối đa là 30 phút và tốc độ 80- 130 km một giờ.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái Lancet-3 do công ty ZALA sản xuất. Ảnh: eurasiatimes

Các đặc tính ấn tượng của Lancet 

Máy bay không người lái Lancet có hai biến thể, Lancet-3 và Lancet-1. Lancet-3 nặng 12 kg, tầm bay tối đa 40-70 km, thời gian bay liên tục 60 phút, tốc độ hành trình 80-110 km/h, tải trọng từ 3 đến 5 kg, là hệ thống hiện đại bậc nhất thế giới cho phép nó tăng tốc lên tới 300 km/h trong khi bổ nhào vào các mục tiêu trên không.

Lancet-1 thực ra là phiên bản thu nhỏ, với trọng lượng cất cánh chỉ 5 kg, tải trọng 1 kg, tầm bay 40 km và thời gian hoạt động 30 phút. Trọng tải trên chiếc UAV này bao gồm các đầu đạn nổ phân mảnh HE hoặc nhiệt áp – sẽ phát nổ trước khi tiếp xúc để tối đa hóa sát thương.

Có thể nhận ra Lancet bằng đôi cánh hình chữ X khác biệt của chúng, được gắn vào thân máy bay thon dài và đầu/mũi dẫn hướng camera có thể tháo rời. Chúng được cung cấp năng lượng bởi một động cơ điện có độ ồn thấp được lắp đặt ở đuôi và có thể được phóng từ máy phóng trên mặt đất hoặc từ tàu chiến trên biển.

ZALA không tiết lộ giá của Lancet và các số liệu trên các phương tiện truyền thông chỉ là phán đoán.

So sánh Lancet với Switchblade của Mỹ

Lancet-3 được so sánh với máy bay không người lái Switchblade-600, do Mỹ sản xuất được quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan sử dụng trong hơn một thập kỷ qua. Switchblade-600 cũng đã được gửi tới Ukraine trong các lô vũ khí viện trợ trị giá hàng tỷ USD.

Switchblade-600 có thời gian hoạt động 40 phút và tầm bắn lên tới 40 km, tốc độ tối đa 185 km/h, mang theo đầu đạn phân mảnh HEAT nặng 4 kg và trọng lượng cất cánh 15 kg. Nó được điều khiển từ xa thông qua liên kết vệ tinh và có khả năng tự hành.

Chú thích ảnh
Lính thủy quân lục chiến Mỹ phóng một UAV Switchblade trong cuộc tập trận vào năm 2020. Ảnh: Business Insider

Lancet có thể bị gây nhiễu hoặc bắn hạ bằng chiến tranh điện tử không?

Lancet được trang bị hệ thống dẫn hướng quang-điện tử và hệ thống hướng dẫn TV. Rostec cho biết các máy bay không người lái loại này được tích hợp khả năng bảo vệ chống tia laser, khiến chúng "hầu như không thể bị đánh chặn và tiêu diệt". Các chuyên gia về máy bay không người lái cho biết lớp bảo vệ chống tia laser có thể làm từ các vật liệu đặc biệt, được giữ bí mật.

Các lực lượng Ukraine đang nghiên cứu cách chế áp máy bay không người lái Lancet của Nga bằng cách gây nhiễu trong các dải tần số nhất định. Tuy nhiên, điều này được cho là chỉ có thể thực hiện được khi chiếc UAV đang được điều khiển thủ công.

Lancet tấn công những loại mục tiêu nào?

Lancet đã được sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, từ binh lính, phương tiện thiết giáp hạng nhẹ đến các vị trí pháo binh và súng cối kiên cố. Chúng cũng có thể nhắm mục tiêu vào máy bay không người lái của đối phương.

Chú thích ảnh
Lancet có thể tấn công pháo binh và các phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Ảnh: Defensenews

UAV tấn công này đã được chứng minh là hiệu quả trước các hệ thống phòng không và pháo binh do Mỹ và NATO cung cấp. Các phân tích của OSINT còn ghi nhận các vụ tấn công của Lancet nhằm vào các trạm radar và hệ thống được sử dụng để điều khiển máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, cũng như xe tăng, xe tải và xe bọc thép chở quân.

Lancet có những điểm yếu nào

Lancet đã được chứng minh là rất thành công ở Ukraine. Một số nhà quan sát quốc phòng Nga đã mô tả nó là thiết kế máy bay không người lái thành công nhất của Nga cho đến nay. Nhưng các kỹ sư của ZALA sẽ không có cơ hội nghỉ ngơi, vì Ukraine và các đồng minh NATO chắc chắn đang tìm cách đánh bại vũ khí này. Những thiếu sót đã biết đến của Lancet bao gồm tốc độ bay tương đối thấp, thời gian hoạt động ngắn và dễ bị ảnh hưởng bởi tác chiến điện tử ở các dải tần nhất định.

ZALA đã giới thiệu UAV Lancet-3M nâng cấp vào mùa hè năm ngoái với trọng tải lớn hơn và độ bền cao hơn, cũng như sửa đổi cánh chữ X của nó – từ hai chữ X đối xứng thành một chữ X lớn hơn và một nhỏ hơn để cải thiện đặc tính khí động học của UAV này.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Lầu Năm Góc đã có sẵn 'Vòm sắt' để chuyển cho Ukraine
Lầu Năm Góc đã có sẵn 'Vòm sắt' để chuyển cho Ukraine

Chỉ huy lực lượng phòng thủ tên lửa và không gian của quân đội Mỹ Daniel Karbler cho biết Mỹ đang có sẵn một hệ thống Vòm Sắt sẵn sàng chuyển tới Ukraine nếu Kiev yêu cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN