Theo tờ Bild, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã để quên điện thoại di động của mình trên ô tô khi ông thăm Berlin ngày 14/5. Nhưng rất nhanh sau đó, một sĩ quan cảnh sát Đức đã trả lại món đồ cho nhà lãnh đạo Ukraine. Vụ việc đặt ra câu hỏi về an toàn thông tin sau khi gần đây, các tài liệu bị rò rỉ cho thấy Tổng thống Zelensky đã từng bị nghe lén thông tin liên lạc.
Ông Zelensky đã đi ô tô đến Phủ Thủ tướng Đức vào chiều 14/5 (theo giờ địa phương), nơi ông có cuộc gặp với Thủ tướng Olaf Scholz. Những bức ảnh do tờ Bild đăng tải cho thấy ông được đưa lên trực thăng sau cuộc gặp, nhưng trước đó lại để quên điện thoại di động trong xe.
Ngay trước khi chiếc trực thăng khởi hành, một sĩ quan Cảnh sát Hình sự Liên bang đã phát hiện ra chiếc điên thoại và vội vàng đưa lại cho ông Zelensky.
Hiện không rõ liệu điện thoại có bị can thiệp vào thời điểm ông Zelensky để quên nó trên xe hay không, nhưng tờ báo phán đoán rằng điều này nhiều khả năng không xảy ra.
Sơ xuất an ninh nói trên xảy ra vào cuối chuyến thăm được sắp xếp chặt chẽ của Tổng thống Ukraine tới Đức. Sau khi rời Italy vào buổi sáng cùng ngày 14/5, máy bay chở ông Zelensky đã được hộ tống bởi hai máy bay chiến đấu Đức, trong khi cảnh sát phong tỏa các đường phố ở Berlin để cho phép đoàn xe hộ tống ông, bao gồm nhiều xe cảnh sát và xe mô tô, đi qua.
Đài CNN từng đưa tin, ông Zelensky đã được các quan chức Mỹ trao cho một chiếc điện thoại vệ tinh an toàn vào tháng 3 năm ngoái. Không rõ liệu Tổng thống Ukraine sử dụng thiết bị này chỉ để trao đổi với Washington hay dùng cho tất cả các cuộc gọi di động của ông. Những tài liệu bi rò rỉ gần đây tiết lộ rằng, Mỹ đã nghe lén các cuộc họp của Zelensky với các cố vấn và cấp dưới chủ chốt, nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.
Tờ Washington Post hôm 13/5 dẫn nội dung văn bản đóng dấu "tuyệt mật" nằm trong loạt tài liệu bị rò rỉ của tình báo Mỹ, cho thấy những cuộc thảo luận nội bộ giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với cấp dưới về kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo tài liệu, ông Zelensky hồi tháng 1 từng đề xuất quân đội Ukraine "tiến hành các cuộc tập kích nhằm vào đất Nga" và triển khai binh sĩ "để chiếm một số thành phố biên giới". Mục tiêu chính của hoạt động này là "mang lại lợi thế cho Kiev trong đàm phán với Moskva".
Tài liệu rò rỉ cho biết, trong cuộc họp cuối tháng 2 với Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny, ông Zelensky bày tỏ lo ngại rằng nước này không có tên lửa tầm xa để tập kích những căn cứ đóng quân và tập kết vũ khí trên lãnh thổ Nga.
Tổng thống Zelensky đã phủ nhận thông tin trong tài liệu trên, nhưng khẳng định Ukraine có quyền sử dụng các chiến thuật phi truyền thống trong chiến sự.
Lầu Năm Góc không bác bỏ những nội dung tài liệu rò rỉ mà tờ Washington Post công bố trong khi giới chức Nga chưa bình luận về thông tin.
Trở lại với chuyến thăm Berlin của nhà lãnh đạo Ukraine, ngay trước thêm sự kiện này, Bộ Quốc phòng Đức hôm 13/5 đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Kiev có tổng giá trị gần 3 tỷ USD, là gói viện trợ cao nhất từ khi chiến sự nổ ra.
"Chúng tôi hy vọng chiến sự Nga - Ukraine sẽ nhanh chóng kết thúc, nhưng đáng tiếc rằng viễn cảnh này còn quá xa. Đó là lý do Đức quyết định chừng nào Ukraine còn cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ viện trợ hết khả năng cho họ", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 13/5 tuyên bố.
Gói viện trợ quân sự mà Đức đang chuẩn bị cho Ukraine có tổng giá trị khoảng 2,7 tỷ euro (2,95 tỷ USD), trong đó có 30 xe tăng Leopard 1. Đức cũng sẽ gửi thêm 4 hệ thống phòng không Iris-T, 20 thiết giáp Marder, 100 xe thiết giáp khác, 200 máy bay do thám không người lái và một số lượng lớn đạn được.
Trong năm 2022 Đức viện trợ quân sự hơn 2,4 tỷ USD cho Ukraine. Nước này đã chuyển 18 xe tăng chủ lực Leopard 2, 40 thiết giáp Marder, 5 pháo phản lực MARS II, 14 pháo tự hành PzH 2000 và nhiều loại vũ khí cùng trang bị khác cho Ukraine.
Chính phủ Đức hồi tháng 2 chấp thuận chuyển xe tăng Leopard 1 cho Ukraine. Phương Tây kỳ vọng xe tăng chủ lực Leopard, cùng M1 Abrams do Mỹ sản xuất và Challenger 2 của Anh, có thể giúp Ukraine giảm bớt thương vong, củng cố phòng tuyến trước Nga hoặc hỗ trợ cho các đợt phản công mới.