Trùm truyền thông khét tiếng William Hearst - Kỳ 2: “Ông tổ” báo lá cải

William Randolph Hearst sinh ngày 29/4/1863 tại San Francisco, là con trai duy nhất và là người thừa kế khối tài sản khổng lồ của gia đình. Bố là George Hearst, một người từ hai bàn tay trắng vươn lên thành ông chủ mỏ khai khoáng và trại nuôi gia súc giàu có. Các mỏ khai thác bạc của George Hearst ở Nevada trị giá 400 triệu USD thời bấy giờ. Mẹ Hearst là bà Phoebe Apperson Hearst, người yêu con đến phát cuồng.

George Hearst.

Năm 1887, khi 23 tuổi, Hearst trở thành chủ tờ báo San Francisco Examiner sau khi bố ông ta thắng bạc và chấp nhận lấy tờ báo là khoản trả nợ. William Randolph Hearst coi việc làm chủ tờ báo là một trò vui, một cuộc phiêu lưu. Ông ta nhanh chóng đưa tờ báo đang èo uột trở thành một tờ báo hốt bạc nhờ chạy theo những tin tức giật gân. Hearst là một trong những người tiên phong sử dụng phông chữ to như biểu ngữ cho tiêu đề bài báo nhằm thu hút độc giả. Tít càng to, càng đậm thì càng ấn tượng. Hearst đã biến tờ San Francisco Examiner thành một tờ báo vừa đưa tin điều tra vừa đưa tin giật gân. Ông ta cũng thuê một số nhà báo nổi tiếng nhất viết cho tờ báo của mình, trong đó có Mark Twain và Jack London.


Đến năm 1895, Hearst mua tờ Nhật báo buổi sáng New York và khai trương tờ Nhật báo buổi chiều New York năm sau đó. Đối đầu trực tiếp với một gã khổng lồ khác trong ngành là Joseph Pulitzer của tờ World, Hearst cạnh tranh tay đôi với đối thủ bằng những tin tức giật gân hơn bao giờ hết. Những tin tức đó hầu như không cung cấp mấy thông tin về sự việc. Đi kèm là những hình ảnh minh họa giúp phóng đại bài viết. Thuật ngữ “báo chí giật gân” xuất phát từ cuộc chiến khốc liệt trong làng báo những năm 1890 giữa Pulitzer và Hearst.


Những năm tiếp sau đó, Hearst lại giắt lưng thêm vài tờ báo ở những thành phố lớn khác của Mỹ. Đế chế báo in của Hearst trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Chuỗi báo và tạp chí của ông ta ngày càng nối dài với những Chicago Examiner, Boston American, Cosmopolitan, Harper’s Bazaar...

Evangelina Cisneros.


Vốn là một người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa bành trướng thuộc địa của Mỹ để giành giật đất đai với các cường quốc ở Tây Âu, Hearst để mắt tới Cuba, lúc đó nằm dưới ách cai trị của Tây Ban Nha. Ông ta dùng quyền lực của báo chí để thu hút sự ủng hộ cho cho chiến dịch quân sự của Mỹ tại đó.


Trên các ấn phẩm của Hearst, Cuba được khắc họa là một mảnh đất của những nông dân tốt đang chịu sự áp bức hà khắc, vô nhân tính của chính quyền Tây Ban Nha. Ông ta dùng ngòi bút thổi phồng tình cảnh khốn khó của một cô gái 18 tuổi tên là Evangelina Cisneros, khẳng định cô đã dũng cảm bảo vệ đức hạnh của mình trước những cai ngục Tây Ban Nha dâm đãng. Ông ta rải đơn kiến nghị trên cả nước để đòi Mỹ gây sức ép để thả tự do cho cô gái. Khi các kênh ngoại giao thất bại, Hearst đã thuê người tìm cách đưa Cisneros ra khỏi tù. Nhiều khả năng người này đã hối lộ cai ngục để cứu Cisneros, nhưng trên báo chí của Hearst lại khắc họa một vụ vượt ngục đầy táo bạo và kịch tính. Sau đó, Hearst đã huênh hoang thành tích của mình trên những cái tít có phông chữ khổng lồ, nói rằng tờ báo của ông ta đã làm được một việc trong nháy mắt mà cả ngành ngoại giao quan liêu của Mỹ đã không làm nổi trong vài tháng trời.


Cisneros được đón tiếp như nữ anh hùng ở New York và được mời đến gặp Tổng thống McKinley ở Nhà Trắng. Trong khi đó, Hearst vờ điếc khi dư luận nghi ngờ tiết hạnh của Cisneros và có tin cho rằng vụ vượt ngục là một trò lừa. Một số nguồn tin đáng tin cậy còn cho rằng Cisneros đã dùng sự quyến rũ của mình để dụ dỗ cai ngục. Tất cả đều bị Hearst bỏ ngoài tai. Điều ông ta quan tâm chỉ là ông ta có tin độc quyền và lượng phát hành tăng vọt.


Một bằng chứng nữa cho thấy mức độ “lá cải” để câu khách của Hearst trong làng báo. Tờ báo của ông ta đưa tin và hình minh họa về ba phụ nữ Mỹ rời Cuba bị binh lính Tây Ban Nha dâm đãng lột trần, khám xét và sờ soạng. Khi ba phụ nữ này về Mỹ, sự thật được kể lại là họ được khám xét ở nơi kín đáo và người khám xét là phụ nữ, trong khi nam binh sĩ đứng bên ngoài.

Tàu chiến Maine.


Cuối những năm 1890, Hearst cử Frederic Remington, một người vẽ tranh minh họa nổi tiếng tới Cuba, để đưa tin về diễn biến tại đó. Sau một thời gian dài ở Cuba, Remington báo cáo lại rằng thủ đô Havana hoàn toàn yên bình và tĩnh lặng, rằng chẳng có cuộc chiến nào ở đây cả. Nhưng khi Remington xin quay về Mỹ, Hearst đáp: “Hãy ở lại. Anh vẽ tranh minh họa và tôi sẽ vẽ chiến tranh”.


Cơ hội để Hearst “vẽ” chiến tranh đến vào ngày 15/2/1898, khi tàu chiến Mỹ Maine phát nổ một cách bí ẩn ở vịnh Havana, giết chết hơn 200 thủy thủ. Mặc dù chưa bao giờ người ta chứng minh được đó là một vụ phá hoại, nhưng báo chí của Hearst đã khẳng định điều này và kêu gọi chiến tranh chống lại Tây Ban Nha.


Khi đưa tin về vụ nổ tàu Maine, Hearst ra lệnh bỏ mọi tin tức khác ra khỏi trang nhất, dành đất để khai thác bi kịch này bằng những cái tít to tướng cùng những hình ảnh minh họa hút mắt về con tàu phát nổ. Ngay sau đó, cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha đã bùng nổ, biến giấc mơ chiến tranh của Hearst thành sự thật.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Sự nghiệp và tình nhân bé bỏng

Trùm truyền thông khét tiếng William Hearst - Kỳ cuối: Bí ẩn thảm kịch trên du thuyền
Trùm truyền thông khét tiếng William Hearst - Kỳ cuối: Bí ẩn thảm kịch trên du thuyền

Quay trở lại với cái chết bí ẩn của đạo diễn Thomas Ince trên du thuyền Oneida của Hearst. Sau vụ việc, cả Hollywood bắt đầu đồn đoán rằng Hearst đã giết chết Ince trong cơn cuồng nộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN