Trùm truyền thông khét tiếng William Hearst - Kỳ 3

Sự nghiệp và tình nhân bé bỏng


Đầu thế kỷ 20, ngoài việc tiếp tục mua thêm nhiều tờ báo và tạp chí, tiếp tục bẻ cong và thổi phồng sự thật, Hearst còn nung nấu ham muốn trở thành một nhân vật chính trị đáng gờm. Ông ta là thành viên của Hạ viện Mỹ từ năm 1903 đến 1907 nhưng hiếm khi xuất hiện trong các phiên họp quốc hội và lấy làm tự hào vì điều đó.

 

Đã hai lần, một lần năm 1900 và một lần năm 1904, Hearst thất bại trong cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Năm 1905, ông ta thất bại trong cuộc đua giành ghế thị trưởng thành phố New York, rồi chức thống đốc bang New York năm 1906. Thất bại trong cuộc tranh cử chức thống đốc đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng chính trị của Hearst và ông ta đã rời Hạ viện Mỹ năm 1907.

 

Marion Davies.

 


Trong làng báo, Hearst lúc nào cũng là tâm điểm của các cuộc tranh cãi. Ông ta “ngồi trên ghế nóng” khi hai trong số phóng viên của ông ta, trong hai bài viết khác nhau, đều ám chỉ rằng Tổng thống McKinley nên bị ám sát. Khi điều đó trở thành sự thật vào tháng 9/1901, nhiều người đã đổ tội cho Hearst, mặc dù sự thật là kẻ sát nhân chưa bao giờ đọc bất kỳ tờ báo nào của Hearst.


Thời còn trẻ, Hearst và các tờ báo của ông ta đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ những người mà ông ta gọi là “thấp cổ bé họng”, đứng về những người dân thường trong hàng loạt vấn đề xã hội. Kiểu làm tin điển hình của Hearst là giật gân hóa khi khắc họa nỗi thống khổ của những người nghèo. Nhiều vấn đề báo chí của Hearst bênh vực đã trở thành luật như luật cải cách thuế.


Tuy nhiên, về sau, quan điểm của Hearst trong nghề báo có xu hướng ngày càng bảo thủ hơn. Ông ta trở thành kẻ thù cuồng bạo của tầng lớp lao động. Ông ta không hề chỉ trích chủ nghĩa phát xít ở Italy và Đức những năm 1930. Ông ta thậm chí còn gặp cả hai trùm phát xít khét tiếng là Hitler và Mussolini.


Hearst còn là một kẻ bài ngoại khét tiếng. Ông ta ghét người thiểu số và thường dùng báo chí làm công cụ để làm trầm trọng thêm căng thẳng chủng tộc bất kỳ khi nào có cơ hội. Hearst đặc biệt ghét người Mexico, coi họ là những kẻ lười biếng, bạo lực, thoái hóa, chỉ thích hút cần sa và cướp công ăn việc làm của người khác. Tuy nhiên, động cơ thực sự đằng sau định kiến này là do Hearst đã mất 800.000 mẫu đất trồng cây lấy gỗ vào tay một thủ lĩnh quân sự tự do người Mexico là Pancho Villa, khiến cho nguồn nguyên liệu làm giấy in cho những tờ báo của ông ta bị đe dọa.

 

Tòa biệt thự nguy nga của Hearst.


Năm 1920, Hearst bắt đầu xây dựng khu biệt thự khổng lồ và xa hoa như một tòa lâu đài ở San Simeon với tầm nhìn hướng ra Thái Bình Dương. Tòa biệt thự La Cuesta Encantada (Khu đồi quyến rũ) mà gia đình Hearst hay gọi là “nông trại”, mất gần 28 năm mới được xây xong. Nó có 165 phòng với rất nhiều đồ đạc và tác phẩm nghệ thuật vô giá, cùng vô số tượng điêu khắc cổ đại lấy từ các khu vực khảo cổ châu Âu. “Nông trại” còn có một sở thú, một sân golf, nhiều chuồng ngựa và vô số đường cưỡi ngựa. La Cuesta Encantada trở thành địa điểm thăm viếng của nhiều vị khách nổi tiếng trong Hollywood mà Hearst có quan hệ.


Hearst sống trong tòa nhà với vợ là Millicent Willson và 5 con trai. Mặc dù cuộc hôn nhân được nhìn nhận là hạnh phúc, viên mãn, nhưng như phần lớn đàn ông giàu có và quyền lực, đôi mắt Hearst không ngừng tìm kiếm gái đẹp. Năm 1915, gã đàn ông 52 tuổi bị Marion Davies - cô vũ công 18 tuổi sôi nổi, tóc vàng óng - của công ty Ziegfeld Follies hút hồn. Sau khi quen biết Marion, Hearst đã “bủa vây” cô gái chỉ bằng tuổi cháu mình bằng những món quà đắt tiền. Món quà tuyệt vời nhất mà Hearst tặng người tình là một sự nghiệp lâu dài trong ngành giải trí.


Cô gái Marion ham vui và sôi động như một quả khí cầu nâng bổng tâm hồn của ông trùm truyền thông già cả. Cô lôi kéo người tình tham gia những lễ hội hóa trang và khoác lên người tình già những bộ trang phục hài hước.


Khác với các cuộc ngoại tình thông thường, quan hệ của Marion và Hearst lại rất công khai khi Marion thường xuyên xuất hiện trước công chúng cùng Hearst. Người tình già bảo vệ tình nhân trẻ một cách tuyệt đối. Các tờ báo của ông ta không bao giờ đưa một mẩu tin tiêu cực về Marion. Các ấn phẩm không nằm trong quyền kiểm soát của Hearst cũng vậy. Người tình của Marion quá quyền lực nên không ai mạo hiểm đối đầu. Bản thân các phóng viên, tổng biên tập báo đối thủ ý thức được rằng biết đâu, ngày nào đó, tờ báo của họ sẽ nằm trong tay Hearst, hoặc họ sẽ xin việc trong hệ thống báo chí của ông ta, hoặc có thể sẽ được tăng lương nếu chưa từng chống đối ông ta.


Vợ Hearst, bà Millicent, tất nhiên không vui với những trò trăng hoa của chồng nhưng bà không công khai bình luận điều gì cả. Khối tài sản khổng lồ của Hearst cùng 5 đứa con và một cuộc sống vương giả khiến bà im lặng suốt hơn 35 năm. Có tin cho rằng Hearst từng tính đến chuyện li dị nhưng chùn bước vì nhiều khả năng Millicent sẽ đòi chia nhiều tài sản. Hơn nữa, ông ta không muốn dính vào một vụ bế bối kiểu như vậy. Năm 1925, gia đình Hearst không còn sống cùng nhau. Trong khi bà Millicent chủ yếu ở New York, bận rộn với công việc từ thiện của mình thì ông chồng thoải mái cùng người tình ở California. Điều đáng ngạc nhiên là Hearst lại chỉ chung tình với duy nhất Marion.


Biết cô nhân tình trẻ có tham vọng trở thành ngôi sao, Hearst đã thành lập riêng công ty sản xuất Cosmopolitan cho Marion. Và tất nhiên cũng chỉ có những tờ báo của ông ta mới đăng bài viết ca ngợi các bộ phim Marion đóng. Marion chỉ đơn giản là một khuôn mặt đẹp trong vô số khuôn mặt đẹp trong ngành điện ảnh. Bản thân cô nàng cũng thừa nhận rằng sự nổi tiếng của mình chỉ nhờ 5% tài năng và 95% công nghệ lăng xê.


Trong thời kỳ Đại suy thoái, đế chế của Hearst may mắn thoát khỏi cảnh phá sản khi Marion bán những món quà và đồ trang sức mà Hearst đã tặng để lấy về 1 đến 2 triệu USD giúp người tình. Chưa đầy một năm sau khi Hearst qua đời năm 1951, Marion đã kết hôn.


Thùy Dương


Đón đọc kỳ cuối: Bí ẩn thảm kịch trên du thuyền

Trùm truyền thông khét tiếng William Hearst - Kỳ cuối: Bí ẩn thảm kịch trên du thuyền
Trùm truyền thông khét tiếng William Hearst - Kỳ cuối: Bí ẩn thảm kịch trên du thuyền

Quay trở lại với cái chết bí ẩn của đạo diễn Thomas Ince trên du thuyền Oneida của Hearst. Sau vụ việc, cả Hollywood bắt đầu đồn đoán rằng Hearst đã giết chết Ince trong cơn cuồng nộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN