Số phận những người tiền nhiệm của Tổng thống H.Mubarak

Những cuộc biểu tình rầm rộ trong những ngày qua ở Cairô đòi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức đã cho thấy một tương lai không sáng sủa đối với vị tổng thống đã ngoại bát tuần này. Nhìn lại những người tiền nhiệm của ông, hầu hết có những số phận bi thảm, người bị thúc ép tới mức phải tự sát, người bị xua đuổi và người bị bắn chết.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong chuyến thăm Mỹ năm 1988.


Năm 1974, Tổng thống Anwar al-Sadat đã nói với nguyên soái không quân khi đó là Husni Mubarak: "Ai mà biết được điều gì có thể xảy ra. Tôi cần phải có anh bên cạnh". Nhưng sự gần gũi với một vị tướng cũng không ngăn cản được cái chết tang thương của Sadat: Bảy năm sau cuộc đối thoại trên, trong một cuộc diễu binh ở Cairô, những kẻ Hồi giáo cực đoan đã giương súng bắn thẳng vào vị nguyên thủ quốc gia trước thanh thiên bạch nhật và ống kính truyền hình.

Vào trưa ngày 6/10/1981 khi đó, Tổng thống Sadat đã chết gục trong làn đạn và ông Mubarak đứng ngay cạnh người tiền nhiệm trên khán đài.

Ông Mubarak đã gặp may: Thoát chết mà không bị sây sát gì. Cũng như ông đã thoát chết trong cuộc mưu sát ở Addis Abeba (Êtiôpi) tháng 6/1995. Những viên đạn nhằm giết chết ông đã bị chiếc xe Mercedes bọc thép cản lại. Ban đầu, ông không định mang theo chiếc xe sang trọng bọc thép này, nhưng tới phút chót, ông đã nghe lời khuyên của Omar Suleiman, người đứng đầu cơ quan mật vụ, nay là Phó Tổng thống, mang theo chiếc xe và nó đã cứu ông.

Tổng thống Ai Cập Mohammed Anwar al-Sadat đã bị sát hại trước ống kính truyền hình trong một cuộc diễu binh ngày 6/10/1981.


Trong số những người tiền nhiệm của ông Mubarak, ngoại trừ Tổng thống Gamal Abd al-Nasser, người đã chết năm 1970 vì một cơn nhồi máu cơ tim, những thủ lĩnh chính trị khác của Ai Cập thời hiện đại đều có một kết cục bi thảm, cho dù quyền lực trước đó của họ lớn tới mức nào.

Sadat bị sát hại, vì ông tìm kiếm hòa bình với kẻ thù không đội trời chung là Ixraen. Ngược lại, người tiền nhiệm của ông bị lật đổ, vì đã thất bại thảm hại trước nước láng giềng nhỏ bé. Ví dụ như Quốc vương Ai Cập Faruk đệ Nhất sau thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh Arập - Ixraen năm 1948 đã bị mất tín nhiệm hoàn toàn trong dân chúng. Với chiến thắng này, Ixraen đã giành được cho mình quyền tồn tại, trong khi đối với người Palextin, sự xua đuổi sau đó đã lưu giữ trong ký ức là một thảm bại và lực lượng vũ trang mạnh nhất trong thế giới Arập đã bị nhục mạ tới tận xương tủy.

Quốc vương thì tỏ ra không quan tâm. Ông vốn không thích địa chính trị như các vũ nữ múa bụng, những món ăn ngon và sòng bạc, nơi ông sẵn sàng thua những món tiền lớn khủng khiếp. Người vợ đầu bị ông ruồng bỏ không thương tiếc. Người vợ thứ hai thì bị Quốc vương to béo này cũng lựa chọn rất tùy hứng: Ông tình cờ gặp cô bé Nariman Sadek khi cô mới 16 tuổi trong một nhà hàng nữ trang, trong khi cô ta đã được hứa gả cho một nhà ngoại giao Ai Cập. Quốc vương Faruk đã kín đáo thuyên chuyển vị hôn phu bất hạnh kia đi nơi khác để năm 1951 tự mình cưới người phụ nữ trẻ trung Sadek làm vợ.

Có lẽ chính vì sự chuyên quyền như vậy đã làm cho vị Quân vương mất đi sự tiếp xúc cuối cùng với dân chúng và mất đi sự linh cảm đối với nguy cơ khi đó đã nảy sinh. Bởi vì, khi đó trong giới quân sự đã có nhiều xáo động. Đặc biệt, những sĩ quan trẻ đang khao khát thanh lọc sự tham nhũng lan rộng trong quân đội và bộ máy chính quyền.

"Sư tử của Ai Cập"

Quốc vương Faruk đệ Nhất, vị vua cuối cùng của Ai Cập đã trị vì từ 1937 tới 1952 cho tới khi bị lật đổ và phải sang sống lưu vong ở Italia cho tới khi chết vào năm 1965.


Ngày 23/7/1952 đã bùng nổ một cuộc bạo loạn dưới sự chỉ huy của tướng Mohammed Nagib và sĩ quan lục quân Gamal Abd al-Nasser, một trong ít người hùng của cuộc chiến tranh chống Ixraen. Cung điện của vị Quốc vương suy đồi ở Alexandria bị bao vây. Sau một cuộc nổ súng ngắn, Faruk đã chịu thua và chạy sang Italia tị nạn trên chiếc tàu thủy sang trọng của mình. Như vậy, ông đã có quyết định không đến nỗi tồi đối với một người cầm quyền thất sủng của Ai Cập. Người kế nhiệm ông là Mohammed Nagib chịu khổ nạn hơn nhiều.

Chỉ sau 17 tháng cầm quyền, vị Tổng thống đầu tiên của Ai Cập đã bị hạ bệ và bị giới quân sự quản thúc tại gia trong 18 năm. Nhà thống trị trước đây đã tuyệt vọng vứt ra ngoài xe một thông điệp, khi ông được đưa tới một nơi không biết là đâu, trong đó ông phàn nàn về việc bị quân cảnh "bắt cóc", nhưng lời kêu cứu của ông chẳng có ai đáp lại.

Năm 1954, Nasser đảo chính và giành chính quyền. Ông là một người được nhân dân tin yêu hơn ai hết và được gọi là "Sư tử của Ai Cập" hoặc "Bismarck của Arập". Ông là con của một nhân viên bưu điện và được coi là một người khiêm tốn và không thể mua chuộc. Dưới sự cầm quyền của ông, quá trình công nghiệp hóa được thúc đẩy, xuất khẩu tăng gấp bốn lần, thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt. Nhưng ngay cả người anh hùng Nasser cũng tỏ ra chuyên quyền.

Tự tử hay bị ép tự tử?

Không chỉ có việc Nasser tham gia lật đổ người bạn cũ Nagib. Ngay cả với chiến hữu thân cận Mohammed Abd al-Hakim Amer, ông cũng không nương tay. Năm 1967, khi ngôi sao cũ bắt đầu lặn sau thất bại đối với Ixraen trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày, Nasser đã tìm kiếm một nạn nhân nông dân và chọn ra Amer là người thường xuyên trung thành cho tới nay.

Ông đột ngột tước bỏ mọi chức tước của vị Phó Tổng thống và Phó Tổng Tư lệnh quân đội và ra lệnh quản thúc tại gia với lý do ông ta tìm cách đảo chính. Tại đây, cuối cùng Amer đã uống thuốc độc và chết. Nhưng cho tới nay, người ta vẫn tranh cãi là ông ta tự tử hay là bị giới mật vụ buộc phải uống thuốc độc.

Nhưng trong thế giới Arập, bên ngoài Ai Cập, người ta cũng thường xử sự thô bạo với những người cầm quyền thất sủng. Ví dụ như sau khi bị dùng vũ lực lật đổ, Tổng thống đầu tiên của Angiêri Ahmed Ben Bella đã bị quản thúc tại gia trong 15 năm. Mãi tới khi Tổng thống Chadli Bendjedid tương đối ôn hòa lên cầm quyền mới giải phóng cho ông, nhưng bản thân ông ta năm 1992 lại bị giới quân sự buộc phải từ chức.

Nếu so sánh, kết cục này còn tương đối may mắn: Trong đất nước Libăng bị nội chiến tàn phá có tới 2 vị nguyên thủ quốc gia bị chết vì bị ám sát bằng bom: Năm 1982 là Beschir Gemayel, người đã được bầu lên nhưng chưa nhậm chức và 7 năm sau là Rene Muawwad, một người ôn hòa được nhiều kỳ vọng, mới chỉ cầm quyền được 17 ngày.

Nhiều khi việc chuyển giao quyền lực lại diễn ra không căng thẳng như vậy và thậm chí buồn cười, ví dụ năm 1970 ở Oman. Tại đó, Tiểu vương Said bin Taimur đã cầm quyền 38 năm ở Maskat và Oman, cho tới khi chính con trai ông là Kabus đuổi ông ra khỏi Cung điện. Khi bị chính con trai đảo chính, vị Tiểu vương đã phát điên, cầm súng bắn lung tung và chẳng may bắn trúng chân mình. Ông bực mình lò dò sang Luân Đôn sống lưu vong và nghe nói sống cho tới cuối đời trong một khách sạn hạng sang trước màn hình vô tuyến.

Năm 1999, nhà văn và nhà báo Ai Cập Ibrahim Issa đã xuất bản một tác phẩm với tên gọi "Sự sát hại một người vĩ đại", trong đó Issa, một người phê phán chính quyền đã mô tả 72 giờ cuối cùng của một vị tổng thống Arập 82 tuổi. Không biết đây có phải là một lời tiên tri hay không, nhưng vào thời điểm hiện nay, khi các cuộc biểu tình nổ ra, Tổng thống Mubarak đang ở tuổi 82.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN