Nhiều tên lửa hành trình cùng với loạt thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công theo đàn cũng xuất hiện trong không trung, với thời điểm vươn tới mục tiêu trùng với tên lửa đạn đạo. Đó là đòn tập kích ồ ạt mà ông Biden cùng đội phụ tá lo ngại có thể sẽ gây quá tải đối với lớp phòng thủ tăng cường mà Mỹ và Israel đã chuẩn bị trong hơn một tuần trước đó.
Giới chức Mỹ sau này thuật lại rằng quy mô đòn tấn công trực tiếp lần đầu tiên của Iran nhằm vào Israel chính là viễn cảnh tồi tệ nhất mà các cơ quan tình báo Mỹ từng tính đến. Nó không chỉ đe dọa đồng minh thân cận của Mỹ, mà còn hủy hoại kỳ vọng của ông Biden về ngăn khủng hoảng Gaza kéo dài trong 6 tháng phát triển thành chiến tranh toàn diện khu vực.
Có mặt tại Phòng Tình huống lúc 5 giờ 15 phút chiều ngày 13/4, ông Biden và đội ngũ cố vấn không thể chắc chắn rằng hệ thống chống tên lửa của Israel, được gia cố bởi hệ thống phòng không cùng vũ khí chống UAV của Mỹ trong 10 ngày trước đó, liệu có đánh chặn gần 99% tên lửa, UAV của Iran hay không. “Hiệu quả phòng thủ vẫn còn chưa rõ ràng, cho đến khi nhận được thông báo sau đó”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden tham dự cuộc họp tại Phòng Tình huống thuật lại.
Chờ đợi trong áp lực khi dõi theo đòn tấn công từ Iran là một trong những thời khắc căng thẳng nhất đối với ông Biden và đội ngũ an ninh quốc gia trong cuộc khủng hoảng kéo dài 19 ngày – một tiến trình mà giới chức rơi vào tình cảnh thiếu thông tin, không biết Israel và Iran lên kế hoạch ra sao trong quãng thời gian có tính quyết định.
Câu chuyện khởi đầu từ việc Israel ngày 1/4 đơn phương không kích tòa nhà lãnh sự trong khu phức hợp đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus, Syria, mà không tham vấn trước với Mỹ. Cuộc tấn công khiến nhiều quan chức quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng, trong đó có tướng Mohammad Reza Zahedi, một nhân vật quan trọng trong lực lượng đặc biệt Quds thuộc Vệ binh cách mạng hồi giáo Iran (IRGC).
Vài phút trước khi không kích, một quan chức Israel đánh tiếng với đồng cấp người Mỹ về việc Israel đang mở đợt tấn công, nhưng không có bất kỳ thông tin nào về địa điểm không kích lẫn mục tiêu cần triệt hạ. Nhà Trắng ngay sau đó biết nắm được một vụ tấn công khác diễn ra trong ngày ngoài dự định của Israel: Israel tập kích bằng UAV nhằm vào một đoàn xe vận chuyển nhân đạo ở Gaza, làm 7 nhân viên của tổ chức nhân đạo World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng.
Ngay sau cuộc không kích nhằm vào Damascus, Đại sứ Israel Michael Herzog và Tùy viên quốc phòng Israel có mặt tại Nhà Trắng khi Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhiều cố vấn hàng đầu Nhà Trắng điện đàm truyền hình trực tuyến với giới chức Israel. Trong trao đổi bên lề, ông Herzog giải thích rằng mục tiêu không kích của Israel là tướng Zahedi và sĩ quan cao cấp khác của Iran.
Trong khi chờ đợi phản ứng từ Tehran, không nhiều giới chức Mỹ và Israel dự đoán Iran sẽ tấn công trực tiếp Israel - hành động chưa từng xảy ra trước đó. Phía Mỹ lo ngại cuộc không kích từ Israel có nguy cơ kích hoạt quân ủy nhiệm Iran tấn công các vị trí đồn trú của Mỹ ở Iraq và Syria – nơi có sự hiện diện của 4.500 lính Mỹ và nhân viên nhà thầu dân sự tại những căn cứ ở khu vực.
Giới chức Mỹ phỏng đoán Iran có thể sẽ tấn công một tòa đại sứ Israel ở bên ngoài để trả đũa. Một quan chức Mỹ tiết lộ Iran sau đó thông qua Đại sứ quán Thụy Sỹ ở Tehran gửi văn bản tới Mỹ, cáo buộc Mỹ có liên quan đến vụ tấn công bằng ngôn từ hăm dọa. Nhà Trắng phủ nhận không liên quan đến vụ việc.
Hai ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với đồng cấp người Israel Yoav Gallant. Trong trao đổi, ông Lloyd Austin thể hiện thái độ bực bội trước việc Bộ trưởng Israel không thông báo về kế hoạch không kích này dù ông Gallant trước đó một tuần có cuộc gặp với ông Austin tại Lầu Năm Góc.
Việc một quan chức cấp cao IRGC – người có liên hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo tại Tehran, bị Israel sát hại khiến giới chức Iran tức giận. Họ cho rằng tòa nhà Israel nhắm đến là một cơ sở ngoại giao – điều Israel phủ nhận trong trao đổi với phía Mỹ. Sau khi không có được tuyên bố lên án Israel từ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Tehran phát tín hiệu sẽ trả đũa. Cuộc tấn công của Israel “sẽ bị đáp trả” - Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu ngày 3/4.
Quan hệ Mỹ - Israel xuống ngưỡng thấp ở thời điểm đó. Trong cuộc điện đàm căng thẳng ngày 4/4, ông Biden thông báo với Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng ủng hộ quốc tế đối với Israel chạm đáy sau vụ tấn công khiến 7 nhân viên cứu trợ WCK thiệt mạng. Israel cần cho phép hàng viện trợ vào Gaza nhiều hơn, giảm thương vong đối với dân thường và chính sách của Mỹ đối với Gaza sẽ dựa trên hành xử của Israel - một quan chức Mỹ thuật lại lời ông Biden tại cuộc điện đàm. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng nói với giới lãnh đạo Israel rằng Washington sẽ bảo vệ Israel trước nguy cơ bị Iran tấn công. Ông Biden lệnh cho Lầu Năm góc gấp rút triển khai biện pháp bảo vệ Israel và quân đội Mỹ kích hoạt các kế hoạch bảo mật cao về trợ giúp Israel trong khủng hoảng.
Khi ông Biden tiếp Thủ tướng Nhật Bản tại Nhà Trắng ngày 10/4, Bộ trưởng Austin tiến đến và kéo Tổng thống Mỹ ra gặp riêng, xin được quyền điều động tàu khu trục USS Carney vốn đang trên đường tiến về căn cứ ở Florida thay đổi lịch trình và ở lại Trung Đông. Tàu USS Carney sau đó cùng với tàu khu trục USS Arleigh Burke hiện diện ở Đông Địa Trung Hải, ở cự ly đủ gần để phát hiện, bắn hạ tên lửa nhằm vào Israel bằng tên lửa đánh chặn SM-3, loại vũ khí chưa từng được sử dụng để bắn hạ tên lửa đạn đạo trong thực chiến.
Một đội cố vấn quân sự Mỹ bí mật tới Tel Aviv để lên kế thành lập một trung tâm điều hành phòng thủ tên lửa với những đồng cấp người Israel. Đoán trước Iran sẽ sử dụng UAV để tấn công, một số lượng lớn tiêm kích F-15E được điều đến khu vực để đánh chặn UAV. Một số tiêm kích F-16 đóng tại khu vực cũng tham gia vào chiến dịch này. Kế hoạch cũng để cập việc để máy bay chiến đấu của Saudi Arabia và Jordan bảo vệ không phận hai nước này.
Tàu sân bay USS Eisenhower đang hiện diện ngoài khơi Biển Đỏ gần Yemen cũng di chuyển gần về phía Israel, vào vị trí sẵn sàng để tiêm kích trên tàu xuất kích đánh chặn UAV do phiến quân Houthi ở Yemen phóng lên. Các cố vấn hàng đầu trong chính quyền Biden liên tục điện đàm, thông qua chính phủ các nước khác để chuyển thông điệp tới Iran, hối thúc Tehran không đáp trả. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đề nghị đồng cấp các nước châu Âu, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ giục Iran xuống thang.
Nhiều ngày qua đi mà Iran vẫn chưa có phản ứng. Giới chức Mỹ và Israel kết luận rằng Iran đang lên kế hoạch tấn công trực tiếp nhằm vào lãnh thổ Israel và sẽ ở quy mô lớn. Vấn đề còn lại là thời điểm tiến hành và mục tiêu Iran nhắm đến. Tướng Erik Kurilla, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) đóng tại vùng Vịnh, tới Israel ngày 11/4, đẩy sớm lịch trình công du đã được lên lịch trước đó vì lo ngại nguy cơ tấn công hiển hiện từ Iran.
Ông Kurilla muốn ở lại Israel qua thời điểm Iran tấn công, nhưng Bộ trưởng Austin yêu cầu ông rời đi vì lo ngại hiện diện của tướng Kurilla có thể khiến Mỹ bị coi là vào hùa với chính quyền Netanyahu trong bất kỳ đòn trả đũa nào từ Israel. Tướng Kurilla tiếp tục tham gia hoạch định kế hoạch từ Jordan.
Khi Tổng thống Biden vừa về tới Rehoboth Beach, bang Delaware vào tối ngày 12/4, kế hoạch tấn công của Iran ngày một rõ. “Chúng tôi nhận được thông tin tình báo rõ ràng hơn và chắc chắn hơn về thời điểm cụ thể về đòn tấn công sắp tới của Iran”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Johk Kirby nói. Ông Biden lập tức quay trở lại thủ đô Washinton D.C. ngay trong đêm.
Khi Iran bắt đầu tấn công vào tối ngày 13/4, giới chức Mỹ tại Phòng Tình huống và Lầu Năm Góc nhận ra ba đợt sóng vũ khí rời không phận Iran, bay qua Iraq, Jordan và hướng về phía Israel. Theo lời kể của một quan chức cấp cao Mỹ, dù có nhận được cảnh báo sớm, nhưng Mỹ vẫn bị bất ngờ và sốc trước quy mô đáp trả từ Iran.
Đầu tiên là đòn không kích với khoảng 150 UAV được Iran phóng lên – một vụ tấn công UAV theo đàn lớn nhất từng diễn ra trong tác chiến thực. Số UAV này mất từ 5 đến 7 tiếng mới tới được Israel. Kế đến là loạt phóng 30 tên lửa hành trình, thời gian tiếp cận mục tiêu khoảng từ hai đến ba tiếng. Sau cùng là tấn công bằng tên lửa đạn đạo – vũ khí chỉ cần vài chục phút là đã bay tới Israel.
Iran lên lịch ba loạt phóng với ý định loạt UAV, tên lửa này sẽ tập kích mục tiêu ở cùng thời điểm, gây quá tải đối với hệ thống phòng thủ của Israel. Iran tránh các mục tiêu dân sự, thay vào đó là mục tiêu quân sự, như căn cứ Nevatim ở vùng sa mạc Negev – nơi đóng trú của loạt tiêm kích F-35 hiện đại.
Lớp phòng thủ dày đặc được tướng Kurilla và nhiều quan chức quân sự ráp nối vài ngày trước đó giúp bảo vệ thành công Israel trước đòn đánh quy mô lớn nhất mà nước này từng đối mặt trong nhiều thập kỷ. Chưa có nước nào tìm cách đánh chặn số lượng tên lửa đạn đạo lớn như vậy. Washington trước đó tin rằng lực lượng của Mỹ và Israel có thể tiêu diệt 50 tên lửa đạn đạo, nhưng chưa biết xử lý ra sao với hơn 100 tên lửa còn lại.
Hệ thống phòng thủ Arrow tiêu diệt phần lớn tên lửa đạn đạo, trong khi hai tàu khu trục của Mỹ ở Đông Địa Trung Hải bắn hạ một số. Một tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot ở Erbil, Iraq cũng đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo từ Iran. Cùng thời điểm, số drone chủ yếu bị tiêm kích của Mỹ, Anh, Pháp và Israel triệt hạ.
Sau khi Israel không hề hấn gì, Nhà Trắng chuyển hướng từ bảo vệ sang kiềm chế Israel. Khoảng 9 giờ tối ngày 13/4 (giờ địa phương), Tổng thống Biden và ông Netanyahu có cuộc điện đàm căng thẳng. Trong trao đổi, ông Biden khuyên nhà lãnh đạo Israel – người đứng đầu nội các chiến tranh, suy tính kỹ về bước đi tiếp theo và “giành chiến thắng”. Ông lưu ý rằng quân đội Israel đã loại trừ thủ lĩnh quân sự của Iran phụ trách chiến trường Liban, Syria và cuộc tấn công đáp trả của Iran đã thất bại.
Giới chức Mỹ lập luận Israel hiện ở vị thế khác biệt và thuận lợi hơn về mặt chiến lược so với thời điểm bị quốc tế lên án vì không kích đoàn xe nhân đạo của WCK. Nếu vội vã đáp trả, Israel có thể sẽ một lần nữa đánh mất ủng hộ quốc tế mới vừa khôi phục lại được một phần. Nhưng những thành viên trong chính phủ liên minh cực hữu của ông Netanyahu lại đòi phải trả đũa nhanh chóng và quy mô. Ông Netanyahu sau đó có nói với các nghị sỹ thuộc đảng Likud rằng ông quyết tâm đáp trả Iran, nhưng theo một cách thức phù hợp và không vô trách nhiệm.
Rạng sáng ngày 19/4, Israel được cho là đã tấn công nhằm vào một cơ sở quân sự duy nhất của Iran ở tỉnh Isfahan. Đòn tập kích quy mô nhỏ, nhưng cho thấy Israel có thể xuyên thủng các lớp phòng thủ của Israel, tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương gửi đi cảnh báo rõ nét sau cuộc tấn công bất thành của Tehran. Khác với đòn không kích nhằm vào Damascus vốn là nguyên nhân kích hoạt khủng hoảng 19 ngày trước đó, lần này Israel thông báo trước cho Mỹ về tấn công hạn chế. Nhà Trắng, ít nhất cho tới thời điểm này, đã tránh được một cuộc chiến tranh lan rộng.