Theo nhận định của chuyên gia Ilan Zalayat thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) ngày 19/4, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đóng một vai trò quan trọng trong căng thẳng giữa Israel và Iran kể từ sau vụ tấn công lãnh sự quán của Tehran ở Damascus, đỉnh điểm là cuộc tấn công của Iran vào Israel vào đêm 13/4.
Năm ngoái, cả Saudi Arabia và UAE đều làm trung gian để truyền tải thông điệp giữa Iran với Mỹ và Israel, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" dẫn đến leo thang thành một cuộc chiến toàn diện ở khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, Riyadh và Abu Dhabi thậm chí còn tham gia đàm phán với Hezbollah, mặc dù trước đó đã xác định tổ chức này là một "tổ chức khủng bố". Mục đích của họ là ngăn chặn sự leo thang hơn nữa cuộc giao tranh đang diễn ra liên quan đến các lực lượng thân Iran, Israel và Mỹ kể từ ngày 7/10 năm ngoái.
Nhìn xa hơn, Saudi Arabia và UAE đang tham gia vào hoạt động ngoại giao để bảo vệ lợi ích của chính họ đối với sự ổn định trong khu vực. Xung đột khu vực đặt ra mối đe dọa cho các kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng của cả hai nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, bằng cách thu hút du lịch, công ty nước ngoài và đầu tư.
Sự ổn định trong khu vực là rất quan trọng để kế hoạch của họ thành công. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman thậm chí còn nói rằng “các quốc gia vùng Vịnh sẽ là nạn nhân đầu tiên của việc mở rộng chiến tranh”, ám chỉ khả năng lực lượng ủy nhiệm của Iran sẽ tấn công các căn cứ của Mỹ hoặc các mục tiêu khác ở các quốc gia vùng Vịnh.
Có thể nói rằng, vai trò của Saudi Arabia và UAE trong cuộc khủng hoảng hiện nay là kết quả của cấu trúc khu vực mới đang phát triển trong những năm gần đây, dẫn đầu là sự hòa giải giữa Riyadh và Tehran vào tháng 3/2023.
Với sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ, Riyadh và Abu Dhabi đã bắt đầu phòng ngừa rủi ro giữa những bên can dự trong khu vực và toàn cầu. Mặc dù lo ngại về Iran và các lực lượng thân nước này trong khu vực nhưng họ không quan tâm đến việc tham gia bất kỳ liên minh nào chống Tehran.
Thay vào đó, họ tìm cách duy trì sự cân bằng giữa Iran, Mỹ và Israel. Điều này thể hiện rõ khi hai nước phủ nhận việc tham gia ngăn chặn cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel và từ chối chia sẻ tất cả thông tin tình báo về vấn đề này với Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu chung của họ về hệ thống phòng không và sự hỗ trợ quân sự của Mỹ chống lại mối đe dọa mới nổi gắn kết lợi ích của họ với lợi ích của Israel và Mỹ.
Ngay cả trước xung đột Israel - Hamas, hai quốc gia vùng Vịnh trên đã bày tỏ sự quan tâm đến một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, và trong trường hợp của Saudi Arabia, thỏa thuận trên gắn liền với việc nước này sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel.