'Bom tấn' Hollywood khiến gần một nửa dàn diễn viên và đoàn làm phim mắc ung thư - Kỳ cuối

Bi kịch của “The Conqueror” đã làm nổi bật nhiều vấn đề nghiêm trọng như trách nhiệm giải trình của chính phủ, sự nguy hiểm của chứng hoang tưởng Chiến tranh Lạnh cũng như sự "điên rồ" và thái quá của Hollywood.

KHI "QUÁI VẬT" UNG THƯ HOÀNH HÀNH

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim "The Conqueror" (Kẻ chinh phục), với hai diễn viên chính John Wayne và Susan Hayward. Cả hai sau đó đều qua đời vì bệnh ung thư. Ảnh: Flashfilm

"The Conqueror" ra rạp, doanh thu phòng vé không quá tệ nhưng cũng không xuất sắc và mọi thứ có vẻ ổn trong một thời gian. Nhưng vài năm sau, hậu quả của nhiễm phóng xạ bắt đầu lộ rõ. Trong số 220 diễn viên và thành viên đoàn phim, ước tính có 91 người mắc bệnh ung thư trong những thập kỷ tiếp theo. 46 người cuối cùng đã chết vì nhiều loại bệnh ung thư mà họ mắc phải.

Những cái chết đều vì ung thư

Tất cả các diễn viên chính tham gia phim và đạo diễn đều là nạn nhân của phóng xạ. Đạo diễn Dick Powell mắc bệnh ung thư bạch huyết và qua đời 9 năm sau. Nữ chính Susan Hayward qua đời vì bệnh ung thư não năm 1975. Ngôi sao của bộ phim, người bị chỉ trích lệch tông với nhân vật Thành Cát Tư Hãn, John Wayne, qua đời vì bệnh ung thư dạ dày vào năm 1979.

Hai con trai của Wayne, là Patrick và Michael, thường chơi đùa ở khu vực trường quay, cũng phải chiến đấu với bệnh ung thư, nhưng không giống như người cha, họ may mắn sống sót với nỗi sợ hãi về mầm mống ung thư trong cơ thể mình.

Một nạn nhân nổi bật khác của bộ phim là nam diễn viên người Mexico, Pedro Armendáriz, người vào năm 1963 phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối ở thận và cổ. Vào thời điểm đó, anh đang tham gia quay bộ phim của series James Bond “From Russia With Love”, và Armendáriz đã phải nỗ lực hết mình để hoàn thành các cảnh quay nhằm đảm bảo khoản thù lao để lại cho người thân. Nỗi đau mà anh phải chịu đựng được thể hiện chân thực trong sản phẩm hoàn thiện, với hình ảnh Armendáriz đi khập khiễng thực sự trong hầu hết các cảnh quay. Nhưng nỗ lực này rõ ràng là xứng đáng, vì nhân vật Kerim Bey của anh được coi là điểm nhấn của bộ phim. Vào ngày 18/6/1963, ba tháng trước khi “From Russia With Love” được công chiếu, Armendáriz tự sát tại Trung tâm Y tế UCLA, bằng phát đạn từ khẩu súng mà anh mang trộm vào phòng bệnh.

Tổng cộng 91 người trong số 220 người làm việc trong đoàn làm phim – chiếm 41% - đã mắc bệnh ung thư và 46 người chết vì bệnh này. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra ung thư, nhưng sự trùng hợp là quá lớn!

Chú thích ảnh
Từ năm 1951 đến 1962, 126 cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử đã được tiến hành ở bãi thử hạt nhân Nevada. Ảnh: Atomicarchive

Không có quả bom nào được thử nghiệm trong quá trình quay phim, nhưng một bài báo dẫn lời Robert Pendleton, giám đốc y tế X quang tại Đại học Utah, nói rằng chất phóng xạ từ các vụ nổ  hạt nhân trước đó có thể đã tồn tại trong thung lũng Tuyết (Snow Canyon). Người ta cũng nhớ đến câu nói đầy tuyệt vọng của một nhà khoa học từ cơ quan hạt nhân quốc phòng của Lầu Năm Góc: “Xin Chúa, đừng để chúng tôi giết John Wayne”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi vào thời điểm đó, không ai phải chịu trách nhiệm về những cái chết và bệnh tật do các cuộc thử nghiệm hạt nhân của chính phủ. Mãi đến những năm 1990, một đạo luật mới được ban hành nhằm bồi thường tiền cho những người mắc bệnh ung thư và các bệnh khác do ảnh hưởng của phóng xạ. Tuy nhiên, có câu chuyện kể lại rằng nhà sản xuất Howard Hughes của "The Conqueror" cảm thấy tội lỗi và cuối cùng đã mua tất cả các bản in sao của bộ phim để giữ nó tránh xa khỏi công chúng. Mãi đến năm 1979, hãng phim Universal đã mua được bản quyền phim, và vào năm 2012 họ đã phát hành phim dưới dạng đĩa DVD. 

Bi kịch của “The Conqueror” đã làm nổi bật nhiều vấn đề nghiêm trọng như trách nhiệm giải trình của chính phủ, sự nguy hiểm của chứng hoang tưởng Chiến tranh Lạnh cũng như sự "điên rồ" và thái quá của Hollywood. Và có lẽ bài học lạc quan nhất mà chúng ta có thể rút ra từ vụ việc là không ai cố ý thực hiện một bộ phim tệ. Dù thành phẩm có dở đến đâu, ta cũng phải luôn nhớ rằng một đội ngũ nhỏ gồm những nghệ sĩ tận tụy đã đổ mồ hôi và làm việc cực nhọc – thậm chí phải chịu đựng và hy sinh – để tạo ra nó.

Chú thích ảnh
Người dân trong vùng thậm chí còn vô tư đến xem thử hạt nhân ở Nevada. Ảnh: Fair.org

Trách nhiệm của chính phủ

11 quả bom hạt nhân được kích nổ vào năm 1953, một năm trước khi "The Conqueror" khởi quay, trong đó có một số quả được thử từ tháng 3 đến tháng 6, đã phủ một lớp bụi xám lên thành phố St. George (nơi quay phim) và các thị trấn khác. Nổi tiếng nhất là vụ nổ 51 kiloton của quả bom tên Simon và vụ nổ 32 kiloton của Harry (sau này được gọi là "Dirty Harry", hay "Harry bẩn"). Hàng ngàn con cừu đã chết, nhưng một thông cáo báo chí của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (AEC) lại đổ lỗi cho “thời tiết lạnh giá chưa từng có”.

Sự phủ nhận của chính phủ về bất kỳ hậu quả gây ung thư nào đã được làm sáng tỏ vào những năm 1980, khi qua các vụ kiện, người ta phát hiện các báo cáo nội bộ của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử cho thấy các nhà khoa học và quan chức đã hạ thấp và bóp méo bằng chứng.

Michelle Thomas, một trong những tín đồ Mormon hứng chịu bụi phóng xạ ở Utah, thẳng thắn phát biểu: “Nó đã đi vào DNA của chúng tôi. Tôi đã mất đi nhiều bạn bè", "Chính phủ của tôi đã nói dối tôi".

Vào năm 1990, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật bồi thường phơi nhiễm bức xạ, thành lập một quỹ dành cho những người bị ung thư và mắc các bệnh nghiêm trọng dường như có liên quan đến thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên mặt đất ở Nevada. Mức bồi thường được giới hạn ở mức 50.000 USD mỗi người.

Quỹ này đã giải ngân khoảng 2 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục giải ngân cho đến khi những "cơn gió ngược" thế hệ đầu tiên kết thúc. Con cháu của họ, bất kể có vấn đề sức khỏe nào, đều bị loại trừ. Chương trình Giáo dục và Sàng lọc Phơi nhiễm Bức xạ (RESEP) có 8 phòng khám trong khu vực. Họ chẩn đoán và tư vấn về việc điều trị, miễn phí nếu người đó đủ điều kiện.

Hoạt động thử hạt nhân trên mặt đất của Mỹ đã tạm dừng vào năm 1959 và tiếp tục trở lại một thời gian ngắn vào năm 1962. Sau đó nó được chuyển xuống lòng đất, nơi hàng trăm quả bom khác được kích nổ (bao gồm một số quả được thử cho chương trình hạt nhân của Anh) cho đến khi có lệnh dừng vào năm 1992.

Xem từ Kỳ 1: "Kẻ chinh phục" thất bại

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Guardian, Todayifoundout)
'Bom tấn' Hollywood khiến gần một nửa dàn diễn viên và đoàn làm phim mắc ung thư– Kỳ 1
'Bom tấn' Hollywood khiến gần một nửa dàn diễn viên và đoàn làm phim mắc ung thư– Kỳ 1

Không chỉ bị những lời chỉ trích nặng nề bủa vây, số phận của "The Conqueror" còn bi đát hơn nhiều. Gần một nửa dàn diễn viên và những người tham gia đoàn làm phim đã mắc các bệnh ung thư và 46 người chết vì căn bệnh quái ác này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN