Ngoài Syria, nhiều nước từng hứng tên lửa Tomahawk của Mỹ

Trong hai lần tấn công Syria kể từ khi cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đều ra lệnh sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk – loại vũ khí có khả năng bắn trúng mục tiêu quan trọng với sai số cực nhỏ. Syria không phải là trường hợp duy nhất hứng Tomahawk của Mỹ.

Iraq - nước hứng chịu nhiều Tomahawk nhất

Kể từ thời Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 tới nay, tên lửa Tomahawk luôn là lựa chọn của Mỹ khi mở màn các cuộc tấn công. Trong cuộc chiến năm 1991 này, 288 quả Tomahawk đã được phóng, trong đó 12 quả phóng từ tàu ngầm và 276 quả phóng từ tàu mặt nước. Loạt phóng đầu tiên do tàu khu trục USS Paul F. Foster thực hiện ngày 17/1/1991. Tiếp đó, tàu ngầm tấn công USS Pittsburgh và tàu USS Louisville nối gót.

Tomahawk được phóng từ tàu Hải quân Mỹ vào Iraq năm 2003. Ảnh: iwar

Ngày 17/1/1993, 46 quả Tomahawk đã nhằm thẳng cơ sở Zafraniyah bên ngoài thủ đô Baghdad của Iraq, mà Mỹ cáo buộc là nơi sản xuất nhiên liệu hạt nhân, nhằm đáp trả việc Iraq từ chối hợp tác với các thanh sát viên giải giáp vũ khí của Liên hợp quốc. Một quả tên lửa đã đâm trúng vào một mặt của khách sạn Al Rasheed, giết chết hai dân thường.


Cũng trong năm đó, vào ngày 26/6, trung tâm kiểm soát và chỉ huy của Cơ quan Tình báo Iraq đã bị trúng 23 quả tên lửa.


Một năm sau ngày 3/9, miền nam Iraq lại hứng chịu 44 quả Tomahawk nhằm vào các mục tiêu phòng không.


Trong chiến dịch Desert Fox (Cáo sa mạc) năm 1998, 325 quả Tomahawk hướng tới các mục tiêu quan trọng của Iraq ngày 16/12.


Khi đưa quân vào Iraq năm 2003, Mỹ đã sử dụng ít nhất 802 quả Tomahawk ở đất nước này trong chỉ có hai ngày. Khi đó, Mỹ có ý định san phẳng Iraq về mặt “địa lý, tinh thần và tâm lý”. Kế hoạch chiến đấu của Lầu Năm góc không chỉ nhằm đè bẹp binh sĩ Iraq mà còn quét sạch hệ thống điện, nước ở thủ đô Baghdad.


Kế hoạch này dựa trên chiến lược “Sốc và kinh hoàng” được Đại học Quốc phòng Quốc gia ở Washington vạch ra. Theo kế hoạch này, mỗi ngày trong hai ngày liên tiếp, 300-400 quả tên lửa sẽ nã vào Iraq. Số lượng tên lửa này gấp đôi số tên lửa phóng trong 40 ngày Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.


Một quan chức Lầu Năm góc khi đó tuyên bố: “Sẽ không có nơi nào an toàn ở Baghdad. Quy mô của vụ này là chưa từng có và chưa từng được tính đến trước đây”.


Đáp lại, con trai của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein khi đó nói trong một lần xuất hiện hiếm hoi, rằng hậu quả của cuộc tấn công mà Mỹ giáng xuống Iraq sẽ khiến cho vụ khủng bố 11/9/2001 chỉ là một cuộc picnic.


Theo tác giả của “Sốc và kinh hoàng”, nhà chiến lược quân sự Harlan Ullman, kế hoạch sẽ làm cho Iraq từ bỏ, không thể chiến đấu. Ông này nói: Mục tiêu chính không chỉ là vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của Iraq mà còn để cho người dân mất tinh thần và không sẵn sàng ủng hộ ông Saddam.


Diệt khủng bố, nhưng trúng dân thường


Kế tiếp Iraq, Afghanistan cũng là một mục tiêu hứng nhiều Tomahawk. Ngày 20/8/1998, 79 quả Tomahawk đã phóng đồng loạt vào hai mục tiêu ở Afghanistan và Sudan để trả đũa vụ al-Qaeda đánh bom các đại sứ quán Mỹ.

Nhiều vụ Mỹ giết hại cả dân thường khi phóng Tomahawk. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng 10/2001, gần 50 quả tên lửa đã đánh trúng các mục tiêu ở Afghanistan trong những giờ mở màn chiến dịch Enduring Freedom (Tự do lâu dài).


Tên khủng bố Saleh Ali Saleh Nabhan của al-Qaeda đã thiệt mạng trong vụ Mỹ dùng hai quả Tomahawk tấn công vào Somalia trong cuộc không kích mang tên Dobley.


Khủng bố al-Qaeda cũng dính Tomahawk ở Yemen. Ngày 17/12/2009, hai quả tên lửa đã nã vào các mục tiêu, trong đó có trại huấn luyện của al-Qaeda ở al-Ma’jalah ở al-Mahfad, một khu vực thuộc tỉnh Abyan của Yemen. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết 55 người thiệt mạng, trong đó có 41 dân thường.


Mỹ và Yemen từ chối bình luận về vai trò trong vụ tấn công. Tuy nhiên, các bức điện mật ngoại giao bị rò rỉ của Mỹ cho thấy tên lửa được bắn từ tàu Hải quân Mỹ.


Ngày 23/9/2014, 47 quả Tomahawk đã được Mỹ phóng từ tàu USS Arleigh Burke và USS Philippine Sea đang hoạt động ở vùng biển quốc tế trên Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư. Mục tiêu là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria gần Raqqa, Dir ez-Zor, Al-Hasakah và Abu Kamal, cũng như nhóm khủng bố Khorasan ở tây Aleppo, Syria.


Phiến quân Houthi ở Yemen ngày 13/10/2016 hứng 5 quả Tomahawk từ tàu USS Nitze để đáp trả vụ tên lửa chống tàu nhằm vào các tàu Hải quân Mỹ ngày trước đó.


Tấn công Syria


Kể từ khi ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ, ông đã hai lần ra lệnh nã Tomahawk vào các mục tiêu của Syria. Cả hai lần đều dựa trên cáo buộc chưa được kiểm chứng rằng Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường.

Vệt sáng trên bầu trời Damascus sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tấn công một số mục tiêu ở thủ đô Syria. Ảnh: AP/TTXVN

Vụ thứ nhất diễn ra vào đêm 6/4/2017. Khi đó 59 quả Tomahawk đã được phóng từ tàu USS Ross và USS Porter, nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria ở gần Homs. Vụ tấn công này để đáp trả vụ chính phủ Syria bị nghi dùng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhoun.


Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ ra tuyên bố nói rằng tên lửa Tomahawk đã đánh trúng các máy bay, kho chứa máy bay, kho xăng và hậu cần, boongke đạn, hệ thống phòng không và radar của Syria.


Ban đầu, Mỹ báo cáo có khoảng 20 máy bay bị phá hủy và 58 trong tổng số 59 tên lửa đã phá hủy hoặc làm hỏng nghiêm trọng mục tiêu. Về sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố vụ không kích phá hủy 20% máy bay còn hoạt động của Chính phủ Syria.


Truyền thông nhà nước Syria cho biết có 9 dân thường, trong đó có bốn trẻ em thiệt mạng và 7 người bị thương do tên lửa rơi trúng nhà. Tuy nhiên, Lầu Năm góc cho rằng dân thường không phải là mục tiêu.


Đánh giá độc lập về thiệt hại do tổ chức Image Sat International thực hiện cho rằng Mỹ đánh trúng 44 mục tiêu. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nhận định hiệu quả vụ không kích là cực kỳ thấp, vì chỉ có 23 quả đánh trúng căn cứ đang có 6 máy bay ở đây. Còn 36 quả còn lại không biết đi đâu. Nga cho biết có 9 máy bay Syria bị phá hủy.


Một năm sau, ngày 14/4, ông Trump lại lệnh tấn công Syria bằng Tomahawk, lần này có cả đồng minh Anh và Pháp tham gia. Tổng cộng 103 quả đã được phóng vào các mục tiêu của Syria, trong đó có 59 quả phóng từ tàu chiến Hải quân Mỹ.


Vụ tấn công này có chung mục đích như vụ năm 2017. Mỹ cáo buộc quân đội Syria dùng vũ khí hóa học ở Douma ngày 7/4. Cả Syria và Nga đều bác bỏ, cho rằng vụ tấn công bị dàn dựng. Truyền thông Nga cho biết 71 quả tên lửa đã bị các hệ thống phòng không Syria bắn hạ. Trong khi đó, Mỹ nói mọi tên lửa đều trúng mục tiêu.


Một số khu vực khác cũng từng dính Tomahawk của Mỹ. Trong chiến dịch Deliberate Force năm 1995, ngày 10/9, tàu USS Normandy đã nã 13 quả Tomahawk từ khu vực miền trung Biển Adriatic hướng thẳng tới khu vực của người Serb ở Bosnia.


Trong chiến dịch Allied Force (Lực lượng đồng minh) phối hợp giữa Mỹ và Anh năm 1999, tên lửa Tomahawk cũng được sử dụng để tấn công các mục tiêu quan trọng ở Serbia và Montenegro. Tổng cộng tàu chiến Mỹ và tàu ngầm Anh đã bắn 218 quả tên lửa.


Tính tới năm 2015, Hải quân Mỹ có khoảng 3.500 Tomahawk mọi phiên bản, tổng giá trị vào khoảng 2,6 tỷ USD.


Thùy Dương/Báo Tin tức
Điều tra vũ khí hóa học ở Douma, Syria ra sao sau trận không kích?
Điều tra vũ khí hóa học ở Douma, Syria ra sao sau trận không kích?

Phái đoàn thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) đã đặt chân tới Syria ngày 14/4, khi vừa đêm trước đó, các thành phố Syria hứng hơn 100 quả tên lửa từ chiến dịch không kích phối hợp của liên quân Mỹ, Anh, Pháp. Công việc của họ giờ đây sẽ diễn ra như thế nào và có ý nghĩa ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN