Marcel Leroy - Con mãnh hổ trong làng tình báo Pháp (kỳ 2)

Xuất thân từ một chiến sỹ du kích trong thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2, Marcel Leroy-Finville đã tham gia tổ chức các đội quân chiến đấu ngay trong lòng địch hậu khi quân phát xít Đức chiếm đóng lãnh thổ nước Pháp. Là một người có tài thao lược bẩm sinh, sau khi chiến tranh kết thúc, ông được mời về làm việc tại Cục tình báo nước ngoài và phản gián Pháp (SDECE) và chính tại đây ông đã phát huy được những phẩm chất tuyệt vời của một điệp viên. Với những thành tích đặc biệt trong công tác, Leroy được bổ nhiệm làm trưởng Phòng 7 của SDECE và được giới tình báo phương Tây thừa nhận là một điệp viên bậc thầy với những kỹ năng thu thập thông tin có một không hai. Theo những tài liệu được giải mật sau này, 90% thành quả mà tình báo Pháp đạt được trong những năm 1960-1970 có sự đóng góp của Phòng 7 do Leroy lãnh đạo.

Kỳ 2: Tạo dựng “át chủ bài” của SDECE

Cục trưởng SDECE, A. Dewavrin, người đã đồng ý với ý tưởng thành lập Phòng 7 của Leroy.

Sau khi phát xít Đức buộc phải đầu hàng quân đồng minh, đặt dấu chấm hết cho cuộc Đại chiến thế giới lần thứ Hai tàn khốc, Leroy và các đồng đội từng nhiều năm hoạt động bí mật, trải qua nhiều gian nan nguy hiểm đã trở về như những người anh hùng ở vùng quê Bretagne. Chưa kịp tận hưởng hết niềm vui chiến thắng vĩ đại, Leroy gặp lại Moruan, người đã trực tiếp chỉ đạo, bồi dưỡng và tạo cho ông những đam mê trong công tác hoạt động bí mật. Trong cuộc hội ngộ, Moruan tiết lộ rằng Chính phủ Pháp đang gấp rút thành lập một cơ quan đặc biệt với nhiệm vụ chủ yếu là nắm bắt mối nguy hiểm đến từ nước ngoài và thu thập các nguồn tin tình báo ngoài nước, và rằng ông đang cần những người từng có kinh nghiệm hoạt động bí mật trong lòng địch như Leroy. Không một chút do dự, Leroy chấp nhận dấn thân vào thử thách mới bởi theo ông “đó là công việc tôi ưa thích. Nó thể hiện lý tưởng và nguyện vọng của cá nhân. Tôi luôn mơ ước trở thành một chiến sỹ kiếm tìm hành động anh hùng”.

Tháng 4/1945, sau khi Cục Tình báo nước ngoài và Phản gián Pháp (SDECE) được thành lập, Leroy được điều về làm Phó phòng Tổ chức, tuy nhiên đó lại không phải là một công việc ông mong muốn khi chấp nhận về làm việc tại cơ quan này. Rất may cho Leroy trong một lần trong một cuộc họp giữa tân Cục trưởng SDECE André Dewavrin và các cán bộ chủ chốt của Cục, ông này đã nhận ra Leroy, một chiến sỹ hoạt động bí mật tài ba trong thời gian chiến tranh. Hai người đã từng nhiều lần gặp nhau trong các cuộc họp kín giữa các nhóm đặc vụ của phong trào kháng chiến. Cuộc tái ngộ bất ngờ này dường như là một định mệnh, giúp cho Leroy tạo lập được mối quan hệ mật thiết với người chỉ huy trực tiếp của SDECE.

Một thời gian sau, Leroy đề xuất với Cục trưởng Dewavrin về kế hoạch xây dựng một tổ công tác đặc biệt, hoạt động độc lập và sử dụng các kỹ thuật hiện đại để bí mật thu thập những tài liệu mật của đối phương, đồng thời khẳng định rằng đây sẽ là một con “át chủ bài” của SDECE. Rất tin tưởng vào tác dụng của những hoạt động gián điệp có hệ thống, cũng như khả năng của Leroy, vị Cục trưởng này đã chấp nhận ý tưởng và từ đó SDECE đã có thêm một phòng nghiệp vụ mới: Phòng 7.

Tổng hành dinh của Cục Tình báo nước ngoài và Phản gián Pháp (SDECE).

Gần như ngay lập tức, Leroy lên kế hoạch tổ chức cơ cấu và tìm kiếm nhân sự cho Phòng 7. Bắt đầu từ quê hương Bretagne, ông bỏ ra 2 năm để thiết lập một mạng lưới tình báo bí mật trên toàn nước Pháp. Công tác tuyển chọn và đào tạo nhân viên cũng được Leroy triển khai một cách hết sức khẩn trương. Ngoài một số đồng đội đã từng sát cánh cùng ông trong những năm tháng chiến tranh, Leroy còn thu hút được rất nhiều những chàng trai kiệt xuất khác. Ông lập trường học và mở những lớp huấn luyện nghiệp vụ để dạy các kỹ thuật thu thập tin tình báo. Đối với từng thành viên, Leroy yêu cầu phải qua những lớp huấn luyện thật nghiêm ngặt, từ việc mở khóa két, các túi thư ngoại giao cho tới việc theo dõi, sử dụng các loại vũ khí; từ việc thử nghiệm tâm lý cho đến những việc đòi hỏi nghị lực cứng rắn, tuân thủ kỷ luật nghề nghiệp. Sau khi huấn luyện, các thành viên của Phòng 7 đều trở thành những chàng trai tài giỏi với đủ các sở trường. Các thành viên trong Phòng 7 của Leroy gồm đủ các “anh tài” với nhiều ngón nghề khác nhau: Có chuyên gia về mở két sắt, có cao thủ về làm đồ giả và lại có cả những nhà phát minh thiên tài.

Phạm vi hoạt động của Phòng 7 do Leroy tổ chức được gọi là “khu vực ranh giới”, tức là những chỗ dừng chân, nơi trò chuyện, nơi cư trú hoặc nơi quá cảnh của người nước ngoài. Các đại sứ quán nước ngoài cũng là mục tiêu chú ý thường xuyên của họ. Ngoài ra, Leroy và các nhân viên của mình còn nhằm tới các khách sạn, nhà hàng sang trọng, nơi các chính trị gia, các nhà khoa học ngoại quốc thường lui tới. Sau đó, “khu vực ranh giới” còn được mở rộng sang các đường hàng không quốc tế và các sân bay nước ngoài. Dần dần, các thành viên Phòng 7 bắt đầu đặt chân tới mọi nơi ở châu Âu.

Leroy luôn tận tụy làm việc theo cách thức riêng của mình với một sự tận tụy dường như không giới hạn. Ông tâm sự rằng “tôi làm tình báo cốt lấy được những tài liệu chính xác, được sử dụng một cách hiệu quả. Khi đó, tôi mới cảm thấy mình là người có giá trị”.

Để lấy được thông tin tình báo, bằng phương cách đặc biệt của riêng mình, Leroy đã sục sạo khắp mọi ngõ ngách và không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất. Chuyện kể rằng trong một chuyến công tác ở Béclin, Leroy tình cờ nghe được thông tin về việc các bộ, ngành, cơ quan đầu não của CHDC Đức vì thiếu giấy vệ sinh nên hầu hết các bộ trưởng, tướng lĩnh quân đội, các yếu nhân cao cấp của nước này đều phải sử dụng bản thảo các báo cáo hoặc văn kiện chính thức để thay thế. Ngay lập tức Leroy đã giao nhiệm vụ cho cấp dưới tìm hiểu và xác định nơi những đống giấy đó được thải ra. Sau đó, ông cử một nhóm đặc vụ giả danh làm công nhân vệ sinh môi trường tới thu gom những đống giấy bẩn đó và cho vào những chiếc túi nhỏ đặc chế để bí mật chở về phía tây. Sau khi về tới trụ sở, đống giấy “vứt đi” đó được cho vào nước sả và phục chế lại. Một nguồn tài liệu vô giá bất ngờ được Phòng 7 khai thác mà không tốn nhiều công sức, trong khi nhiều cơ quan tình báo phương Tây khác không tài nào lọt được vào các cơ quan của Chính phủ CHDC Đức do những rào cản an ninh ngặt nghèo của nước này. Tên tuổi của Leroy và Phòng 7 bắt đầu nổi lên như cồn trong giới tình báo phương Tây.

Minh Nhựt (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 3: Chuyến tàu mạo hiểm

Marcel Leroy-Con mãnh hổ trong làng tình báo Pháp (kỳ cuối)
Marcel Leroy-Con mãnh hổ trong làng tình báo Pháp (kỳ cuối)

Với việc Phòng 7 do Marcel Leroy liên tục lập được những thành tích nổi bật, tiếng tăm của họ ngày một vươn xa. Tuy nhiên cũng chính điều đó đã khiến cho một số thế lực trong nội bộ Cục Tình báo nước ngoài và Phản gián Pháp (SDECE) không cảm thấy thoải mái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN