Marcel Leroy-Con mãnh hổ trong làng tình báo Pháp (kỳ I)

Xuất thân từ một chiến sỹ du kích trong thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2, Marcel Leroy-Finville đã tham gia tổ chức các đội quân chiến đấu ngay trong lòng địch hậu khi quân phát xít Đức chiếm đóng lãnh thổ nước Pháp. Là một người có tài thao lược bẩm sinh, sau khi chiến tranh kết thúc, ông được mời về làm việc tại Cục tình báo nước ngoài và phản gián Pháp (SDECE) và chính tại đây ông đã phát huy được những phẩm chất tuyệt vời của một điệp viên. Với những thành tích đặc biệt trong công tác, Leroy được bổ nhiệm làm trưởng Phòng 7 của SDECE và được giới tình báo phương Tây thừa nhận là một điệp viên bậc thầy với những kỹ năng thu thập thông tin có một không hai. Theo những tài liệu được giải mật sau này, 90% thành quả mà tình báo Pháp đạt được trong những năm 1960-1970 có sự đóng góp của Phòng 7 do Leroy lãnh đạo.

Kỳ I: Khúc dạo đầu

Marcel Leroy-Finville, điệp viên hàng đầu của tình báo Pháp.

Sinh năm 1920 trong một gia đình công nhân nghèo ở tỉnh Bretagne, vùng bán đảo phía tây bắc nước Pháp, Marcel Leroy trải qua một thời niên thiếu đầy vất vả cùng với gia đình. Anh đã phải bỏ học từ rất sớm để giúp cha mẹ kiếm sống. Và cũng chính cuộc sống thiếu thốn đó đã tôi luyện Leroy trở thành một chàng trai cứng cáp, đầy bản lĩnh để vượt qua những thách thức trên đường đời.


Bước ngoặt đến với Leroy khi anh vừa bước vào tuổi 20 đầy hoài bão. Năm 1940 quân phát xít Đức tấn công và chiếm đóng nước Pháp. Chàng trai trẻ Leroy vô cùng căm phẫn trước sự có mặt của thế lực ngoại bang trên quê hương mình. Ngay từ lúc đó, anh đã nung nấu ý định phải làm được điều gì đó cho tổ quốc. Leroy cảm thấy chiến tranh xảy ra không hẳn đã là điều tồi tệ mà có thể sẽ là cơ hội để những chàng trai yêu nước như anh tôi luyện bản lĩnh. Leroy quyết định quy tụ một nhóm các bạn bè nối khố có cùng chí hướng tham gia vào các hoạt động tự phát của mình. Sau khi quân Đức chiếm Bretagne không lâu, Leroy kiếm được một chân làm việc tại Cục Lương thực của chính quyền địa phương với nhiệm vụ giám sát các đoàn xe chở lương thực đến nước Đức. Và từ vị trí làm việc này, Leroy đã tổ chức các hoạt động phá hoại việc chở lương thực mà quân Đức thu gom được ở Bretagne. Nhiệm vụ của Leroy lúc đó là tìm hiểu lịch trình đi lại của các đoàn xe lương thực và sau đó bố trí lực lượng chặn cướp ở những khu vực hẻo lánh mà các đoàn xe này đi qua.

Sau một loạt những trận đánh như vậy, tiếng vang của nhóm du kích trẻ tuổi đã lan tỏa khắp vùng Bretagne và các khu vực lân cận. Sau đó, rất nhiều thanh niên yêu nước đã quyết định tham gia vào nhóm của Leroy và quân số của họ có lúc lên tới hơn 100 người. Song song với các hoạt động tổ chức phá hoại hậu cần của quân Đức, Leroy vẫn giữ được vỏ bọc tại Cục Lương thực với cách làm việc cần mẫn, tận tụy và đầy sáng tạo. Trước những vụ đánh phá liên tục nhằm vào các đoàn xe lương thực, Leroy đã một số lần đề xuất những “sáng kiến” tung hỏa mù đánh lạc hướng quân du kích để đưa các đoàn xe về Đức an toàn, nhưng trên thực tế đó chỉ là “ngón bài” mà Leroy và các đồng đội đã thống nhất để tạo ra một vỏ bọc vững chắc cho anh trong lòng kẻ địch vì những mục tiêu xa hơn. Sự từng trải trong giai đoạn này rất hữu ích cho hoạt động tình báo của Leroy sau này ở Phòng 7 của SDECE, được lập theo mô hình của mạng lưới hoạt động bí mật do chính anh tổ chức ở Bretagne.

Vùng Bretagne, quê hương và là nơi Leroy đã nhiều năm hoạt động khi bắt đầu dấn thân vào binh nghiệp.

Trong quá trình làm việc tại Cục Lương thực Bretagne, Leroy tình cờ được tiếp xúc với một cấp trên làm việc ở Tổng cục Lương thực Pháp, người mà ổng chỉ biết đến dưới cái tên Moruan. Ông này lúc đó được cử tới Bretagne để kiểm tra tình hình sau khi thông tin về việc các đoàn xe lương thực liên tiếp bị tấn công bay tới Pari. Mặc dù tiếp xúc với Moruan nhiều lần nhưng Leroy luôn tỏ ra thận trọng vì cho rằng đây là một nhân vật nguy hiểm được cử tới để dò la các hoạt động du kích. Tuy nhiên, những suy nghĩ của Leroy dường như không qua được con mắt tinh tường của Moruan và trong một cuộc nói chuyện ông này đã nói thẳng với Leroy: “Anh bạn trẻ, tôi biết rõ anh là ai. Chúng tôi cần những người yêu nước như anh để theo đuổi các hoạt động đặc biệt. Nhưng chúng tôi không muốn anh hành động mù quáng vì như vậy sẽ không trụ được lâu dài. Cần phải hoạt động một cách có tổ chức”.

Hóa ra Moruan chính là một trong những người đứng đầu mạng lưới bí mật của các chiến sỹ Pháp yêu nước hoạt động ở khu vực phía tây. Từ đó, các hoạt động bí mật của nhóm Leroy được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Moruan. Leroy và các đồng đội được giao nhiệm vụ thu thập thông tin, theo dõi việc bố trí của quân Đức, chụp ảnh các sân bay, hải cảng và các tuyến đường sắt. Moruan sau đó còn cử một chiến sỹ tình báo chuyên nghiệp người Mỹ gốc Pháp có tên là Rey Plan tới đào tạo cho nhóm của Leroy các kỹ năng chiến đấu cần thiết đối với các hoạt động bí mật. Các chiến sỹ du kích Bretagne được Plan dạy các kỹ năng ăn cắp và sao chụp tài liệu, cách sử dụng các loại vũ khí, kỹ thuật tấn công và hạ đối phương bằng tay không, cũng như chế tạo các loại mìn cá nhân để sử dụng khi cần thiết. Sau thời gian được Plan huấn luyện, Leroy mới nhận ra rằng, đúng như lời Moruan đã nói, những gì nhóm du kích của anh trước đây từng làm thực ra chỉ là những hành động tự phát và mang tính rủi ro cao, nhiều khi để xảy ra những mất mát một cách uổng phí. Những phương pháp chiến đấu mới học được đã giúp cho các hoạt động của nhóm du kích bí mật của Leroy được tăng cường rất nhiều và uy thế quân sự cũng tạm thời mạnh hẳn lên.

Cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn quyết liệt, tất cả đều trong trạng thái căng thẳng. Leroy từ đó đã áp dụng một cách tối đa những kinh nghiệm học được từ Plan và phát huy những sáng tạo mới trong quá trình hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù là người đứng đầu nhóm du kích bí mật Bretagne nhưng Leroy không vì thế mà từ chối tham gia trực tiếp nhiều nhiệm vụ quan trọng. Chính anh cũng từng nhiều lần khẳng định: “Nguyên tắc của tôi là nếu không tự dấn thân vào thì không bao giờ hiểu công việc. Chỉ có lập được chiến công thực sự, nắm được sự vật cụ thể, thu lượm được những tài liệu mật có giá trị thì mới có thể giành được thắng lợi”.

Minh Nhựt (Tổng hợp)

Marcel Leroy-Con mãnh hổ trong làng tình báo Pháp (kỳ cuối)
Marcel Leroy-Con mãnh hổ trong làng tình báo Pháp (kỳ cuối)

Với việc Phòng 7 do Marcel Leroy liên tục lập được những thành tích nổi bật, tiếng tăm của họ ngày một vươn xa. Tuy nhiên cũng chính điều đó đã khiến cho một số thế lực trong nội bộ Cục Tình báo nước ngoài và Phản gián Pháp (SDECE) không cảm thấy thoải mái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN